của mình rủ lòng che chở. Viên võ quan sấn tới, vung tay tát lệch mặt ông
Thuận cùng một cú giầy đinh đạp thẳng vào bụng. Ông Thuận kêu thất
thanh, ngã dúi dụi, tóc xõa xượi dính cát, mặt hằn vết ngón tay, áo com lê
màu mỡ gà in dấu giày đinh màu đất bụi. Ông lồm ngồm bò dậy và lủi mất,
thằng Pháp miệng chửi “Mẹc xà lù”.
Sau cái lần nếm đòn nhục nhã, lại bị người tình thờ ơ lạnh nhạt, ông Thuận
không bén mảng đến nhà hàng nữa. Có lẽ ông đã hiểu một điều giản dị, ở
cái vùng tạm chiếm này, người Pháp có quyền hung bạo chà đạp và rằng
người đàn bà ham hố chung đụng thân xác với nhiều đàn ông thì ắt hẳn bà
ta coi đàn ông là giống đực mà giống đực thì nhan nhản, chẳng cần tình
nghĩa với một thằng đực nào.
Chính những ngày nhộn này ở thành phố lại là thời cơ dễ dàng nhất cho An
trốn khỏi nhà hàng quán Bar. Sáng ấy bà chủ đang yên giấc, An dậy thật
sớm, xếp hai bộ quần áo của mình vào tay nải mang theo, anh lủi thủi lẻn
khỏi nhà ra bến xe đi Hải Phòng, hôm sau từ Hải Phòng ra Cẩm Phả mỏ.
Hỏi thăm người dân phố mỏ, anh tìm đến nhà mình. Phút gặp lại mẹ và các
em mừng mừng tủi tủi nhưng mẹ An lại băn khoăn, liệu con mình có làm
phật lòng ông bác và mẹ nuôi tốt bụng hay không. An giãi bày sự thật với
mẹ, mẹ con lẫn lộn buồn vui. An sẽ phải làm quen với đất mỏ. Hỏi han
người dân nơi đây, điều đầu tiên anh biết về Cẩm Phả là nơi đây không có
trường trung học. Anh lắc đầu, buồn ngao ngán như kẻ thất tình và anh đủ
trí lực để hiểu một điều cốt yếu, mẹ không thể đủ sức, đủ tiền nuôi An lúc
này.
Vùng than Cẩm Phả phố xá bé nhỏ lầm lụi, đường phố lô nhô đất đá, mặt
đường đen đúa bụi than. Ven mặt phố hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một vài
cây dâu da, chùm hoa trắng như mâm xôi dưới trời nắng nóng hầm hập.
Phiến lá nào cũng cõng bụi than lem nhem. Ở sườn đồi, sát ngay phía sau
lán nhà thợ mỏ, đoàn xe hỏa chạy xình xịch kéo những toa than đầy có
ngọn, bánh sắt nặng nề nghiến trên đường ray nghe ai oán. Ngày ngày, tầng
mỏ và hầm lò như nuốt chửng những người phu mỏ. Họ nai lưng trên tầng