than hoặc chui sâu vào hầm lò tối bưng để đào than, xúc than cho chủ mỏ
người Pháp. Bốn giờ sáng, tiếng còi tàu nghe âm u, kéo dài lê thê “ủ, ủ, ủ
…”. Âm thanh bao trùm không gian, giục giã phu mỏ thức giấc. Mắt nhắm
mắt mở đoàn phu mỏ rời mái nhà, lán thợ, tất bật ra bến xe lên tầng mỏ
hoặc xuống hầm lò.
Đã mấy ngày nay An lê bước khắp nơi ở miền mỏ lam lũ này. An bước
chân đến mỏ Cọc 6 rồi Đèo Nai. Ở đây người ta khom lưng đẩy những toa
xe goòng bánh sắt chở đầy than, lăn bánh trên đường ray. Những chiếc
khăn mỏ quạ màu đen trùm kín khuôn mặt phụ nữ mỏ để tránh bụi bẩn.
Đứng trên tầng mỏ Đèo Nai, An thả mắt về phía vịnh Bái Tử Long. Xa xa,
màu xanh mờ mờ của biển như phủ khói sương. Những dãy đảo đá nhấp
nhô, trầm mặc, im lìm như ngồi suy tư trên biển. An thấy mình bơ vơ, lạc
lõng và bé nhỏ quá. Những ngày này, ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu như
An khó có thể kiếm được việc làm ưng ý.
Từ tầng mỏ trở về với lán nhà phu mỏ, lô xô mái nhà ngói thấp, xen những
mái nhà tranh tre nhuộm màu bụi, tâm trạng An mang nặng nỗi chán
trường. Anh lại lê bước đến khu trường tiểu học. Mái trường được xây cất
ở phố nhỏ vắng vẻ, buồn tênh, leo tèo vài lớp học. Vậy mà mái trường buồn
tẻ này đã làm thức dậy những hồi ức cùng nuối tiếc của An về mái trường
và thuở học sinh nơi quê nhà. Lòng buồn buồn khó tả.
Những ngày này miền mỏ cũng thật tà khác thường, chẳng bình yên.
Nhiều phu mỏ nghỉ việc một vài ngày để dò nghe chuyện thế cuộc. Ở chợ,
ngoài đường và trong những gian nhà, người ta bàn bạc, trò chuyện về chế
độ mới sẽ được xác lập, chuyện di cư vào Nam. Hôm nay rộ tin này, ngày
mai lan truyền tin khác. Thật có, giả có, tin tức đồn thổi nhiều lắm. Nhiều
cai ký, giám thị, người cộng tác với chính quyền Pháp và cả thường dân
cũng rục rịch chuẩn bị di cư. Người thì lo sợ bị phân biệt đối xử, mắc vòng
lao lý, kẻ thì mong đổi đời ở đất phương Nam. Tin đồn thổi, Đức mẹ vào
Nam làm đồng bào công giáo hoang mang. Có những tin loan truyền có sức