ngôi nhà. Anh chợt thấy sống mũi mình cay xè. Chao ôi, Hà Nội… Hà Nội
của tôi… Hà Nội khổ đau và lam lũ… Hà Nội kiên trung và nồng nàn… Hà
Nội… Thế là ra ngươi cũng đang biết tự đập vỡ mình để trở nên dáng nét
của một thủ đô theo đúng nghĩa đấy ư. Cám ơn… xin cám ơn.
Đi giữa đường phố, nước mắt rưng rưng, lòng anh cứ rì rầm cám ơn
nhưng cám ơn ai, cám ơn cái gì và tại sao lại cám ơn thì chính anh cũng
không biết nữa. Một chú bé ngộ nghĩnh phóng chiếc xe đạp mi ni Nhật đi
ngược chiều, réo gọi:
- A!… Chào chú tuyệt vời!
Anh vui vẻ giơ ngón tay lên, réo theo:
- Hê-lô! Thậm chí trên cả tuyệt vời!
Chú bé bật lên một chuỗi cười khanh khách giòn tan rồi biến mất ở góc
phố. Cười to nữa lên, cậu bé! Chỉ cần nghe tiếng cười của cậu là tôi biết
cuộc sống nơi đây đang vận hành về hướng nào. Anh lại tiếp tục đi. Đi
càng chậm. Phố bằng cái gang tay thôi mà, bước nhanh nó hết mất thì phí!
Chả gì cũng cách xa nhau gần trọn bốn mùa rồi, cứ chậm rãi ngửi hít cho
nó thật đã cái chứ. Rồi mọi sự cũng phải đổi thay đi như thế này chứ. Dẫu
có phải trả giá thế nào chăng nữa thì cũng phải đổi thay, còn ngàn lần hơn
tất cả vẫn ù lì rêu phong như cũ.
Mải nghĩ, anh bước hụt một cái, chút nữa đập mặt vào một chiếc xe máy
to tướng đang nhao tới, “Sư anh già! Anh chán sống rồi hả?” Một tiếng
chửi rơi lại như sủa. Anh cười ngẩn ngơ, sờ tay lên đầu: Thì già mẹ nó thật
rồi còn gì nữa. Còn chửi thừa, con trai bố ạ! Tuy vậy, sự kiện ấy cũng làm
cho cơn say cao quý trong anh tỉnh lại đôi phần.
Sau bức thư dài thòng của anh em nhà Nam, mãi đến ba tháng sau anh
mới có thể dứt ra mọi việc để trở về được. Bộ phim của anh đã được chiếu
ở Pháp, Mỹ và Ca-na-đa, ít nhiều cũng gây được tiếng vang. Nghe đâu một
trong mấy quốc gia ấy đang có ý mời đạo diễn sang thăm nhưng thực lòng
anh chả mấy quan tâm và cũng không hỏi han thêm một câu. Còn người
đàn bà xinh cứu tinh kia, sau lần ấy anh không có dịp gặp nữa. Anh cũng