được British Airways mua lại. Thoạt đầu, Virgin phản đối việc mua lại này,
vì cho rằng nó sẽ góp phần khiến BA thêm hùng mạnh, nhưng chúng tôi
mau chóng nhận ra rằng đám mây giông này ẩn chứa một tia sét bạc, nếu
không muốn nói là sét vàng hẳn hoi. Ngay sau khi B-Cal ngừng hoạt động,
nó mở ra cho chúng tôi những đường bay mới rất hay – chúng tôi có thể
tiếp quản từ London cho tới cửa ngõ quốc tế chính của New York là phi
trường JFK (trước đây chúng tôi bị hạn chế hoạt động chỉ ở sân bay
Newark, New Jersey), rồi cả Tokyo cho tới Los Angeles, chúng tôi lần lượt
cung cấp dịch vụ vào các năm 1988, 1989 và 1990. Boston, San Francisco
và Hong Kong tiếp nối sau đó. Nếu B-Cal vẫn còn hiện diện, chắc hẳn
chúng tôi không đời nào có cửa tiếp cận với những chặng bay béo bở này,
hay chí ít là ắt sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để được phê chuẩn hoạt
động. Một lần nữa, sẽ có người gọi là may mắn, nhưng tôi thích coi đó là
hệ quả trực tiếp sinh ra từ việc có đủ can đảm để tự đặt mình đúng chỗ vào
đúng thời điểm – bất chấp tất cả các vị mang danh chuyên gia hàng không
từng quả quyết rằng, Virgin Atlantic là một sai lầm không đúng lúc không
đúng chỗ!
Tôi luôn thấy sửng sốt khi thấy người ta quá vội vã thốt câu: “Úi chà, vụ
này họ ăn may quá thể!” và hoàn toàn loại bỏ bất cứ cống hiến nào kẻ may
mắn kia đã đóng góp để tạo ra kết quả khả quan cho sự việc. Vẫn những
người đó cũng hiếm khi nhanh nhảu nói ra câu: “Ôi, chỉ là không may thôi
mà!” khi ai đó vấp phải vấn đề, cho dù không phải do họ gây ra lỗi lầm. Tôi
tin tưởng sâu sắc rằng những lãnh đạo thông minh và những doanh nhân
sáng suốt có một tài lẻ là tự điều chỉnh vận may của mình – một cách gọi
khác, chính là khả năng chấp nhận rủi ro, giống như kiểu Brett Godfrey
tung xúc xắc và “sáu nút” chính là việc đưa Virgin đến Úc vào thời điểm
chính xác. Nên hãy nỗ lực thật nhiều để cải thiện vận may của bạn: nhớ
đừng đứng dưới gốc cây trong cơn bão, và chớ bao giờ ngại ngần nói
chuyện với người lạ – bạn làm sao biết trước được Sergey Brin nào đó đang
chờ bạn ngoài kia!