Trong rất nhiều trường hợp như vậy, việc “rút khỏi” lại không mời mà đến
và sớm hơn khả năng dự đoán của mọi chiến lược! Nếu hồi đó chúng tôi
không thể nhận biết kịp thời rằng trải nghiệm ngắn ngủi của Virgin ở vị thế
một công ty niêm yết công khai sẽ làm tiêu tan nền văn hóa đã hình thành
nên chúng tôi như bây giờ, hẳn chúng tôi đã chẳng còn tồn tại đến ngày nay
mà kể lại. Thật may, chúng tôi chẳng phải trải qua việc đó.
Tôi phải xin lỗi nếu tôi bắt đầu có vẻ như cái loa rè như người ta hay ví von
(iPod bị kẹt?) khi nói về vấn đề này, nhưng tôi xin được trích lời của người
kế nghiệp Herb Kelleher ở Southwest, anh dễ dàng nói thay lời của Herb
hoặc tôi, rằng: “Mọi thứ khởi nguồn và kết thúc từ chính con người của
chúng ta. Nếu ta giữ cho nhân viên của mình được hạnh phúc và chuyên
tâm, họ sẽ khiến cho khách hàng được hạnh phúc, và khách hàng tưởng
thưởng chúng ta bằng lòng trung thành, gắn bó. Điều đó lặp đi lặp lại giúp
mang lại lợi nhuận và tạo ra giá trị cho các cổ đông.”
Cũng như thế, ở mỗi công ty của Virgin, không công ty nào có thể sống sót
nếu thiếu tinh thần cống hiến, năng lượng, sự dí dỏm và óc thông thái của
đại gia đình phi thường chúng tôi. Nói một cách đơn giản, trong cơn cuồng
loạn mịt mù nhằm gặt hái những kết quả kinh tế siêu việt, quá nhiều chủ
doanh nghiệp và lãnh đạo không đủ thấu hiểu tầm quan trọng của việc cẩn
trọng phát triển một nền văn hóa doanh nghiệp.
Khi Peter Drucker nói “Culture eats strategy for breakfast”, đáng lẽ ra ông
nên bổ sung rằng, khi trọng tâm đặt quá nhiều vào lợi nhuận và tăng
trưởng, mà lưu tâm quá ít đến nuôi dưỡng con người và chăm chút văn hóa,
thì có một nguy cơ rất nghiêm trọng, ấy là sẽ có kẻ nào đó xơi tái bữa trưa
của ta đấy.