Beyond!) Một câu tôi biết là phi hành đoàn Virgin Galactic đều cho rằng
thật “ngầu” hết sức!
Vài năm sau đó, ở trường Stowe, tôi tình cờ gặp được tuyên bố sứ mệnh
thứ hai kiểu như thế trong khẩu hiệu của trường “Persto et Praesto”. Mỗi
học sinh mới đều phải học thuộc ngay từ ngày đầu tiên, nghĩa là “Tôi đứng
vững và tôi đứng đầu.” Tôi khó mà nói cho bạn biết nửa đầu của câu này đã
làm nảy ra bao nhiêu tràng cười ngớ ngẩn từ đám nam sinh đang tuổi dậy
thì ở đây, nhưng, dù sao đi nữa, đó là một tuyên bố sứ mệnh xuất sắc để
những “thành viên Stowe” trẻ tuổi mang theo khi khôn lớn thành người –
và mặc dù có thể tôi đã quên hầu hết mọi thứ ở trường học, thì câu khẩu
hiệu này vẫn vang vọng trong tôi.
Cũng chính ở trường Stowe, lần nọ, có một thầy dạy Văn (không chút đồng
cảm nào với chứng khó đọc của tôi) đã bảo rằng tôi “có khoảng chú ý cỡ
một con ruồi nhép”. Sau đấy, thầy còn tự mua vui bằng câu đế thêm:
“Nhưng nghĩ lại, anh Branson ạ, có lẽ nói vậy là tôi đã quá bất công với
ngay cả một con ruồi nhép bình thường rồi.” Thế mà chẳng bao lâu, chính
ông thầy này đã phải sững người vì thấy tôi cực kỳ say mê tác phẩm kinh
điển của Ernest Hemingway, Ông già và biển cả. Tôi dám chắc lý do khiến
tôi bị Hemingway lôi cuốn đến vậy chính là lối hành văn gãy gọn, dứt
khoát của ông với những câu ngắn gọn, dễ tiêu hóa; một kỹ thuật bắt nguồn
từ những năm tháng theo nghiệp phóng viên. Dù sao thì, hẳn nhiên lối văn
chương ấy dường như rất có hiệu quả với khoảng chú ý hạn chế của tôi.
Thật ra, một trong những tác phẩm văn xuôi tôi chịu học thuộc chính là một
truyện ngắn hoàn chỉnh thường được cho là của Hemingway. À vâng, nghe
thì hơi khó tin, vì suy cho cùng, nó chỉ gồm có sáu từ thôi, nhưng nó càng
củng cố thêm quan điểm: càng ngắn càng dễ nhớ. Chuyện kể rằng, vào thập
niên 1920, các đồng nghiệp cược với Hemingway rằng ông không thể nào
kể một câu chuyện hoàn chỉnh chỉ với sáu từ. Họ buộc phải trả tiền thua độ
sau khi đọc một thứ được coi là tác phẩm tinh túy nhất của Hemingway.
Những gì ông viết thật xé ruột xé gan: