hiểu khi giao tiếp với công chúng. Hằng năm, giải Golden Bull chọn ra và
“vinh danh” những văn bản rối rắm, phức tạp, khó hiểu nhất. Chính
thương hiệu đường sắt Virgin Trains của Richard Branson cũng từng
“được” nhận giải thưởng này vào năm 2007.
MỘT SỨ MỆNH, ĐÚNG MỌI NƠI
Một điều khiến tôi khó chịu với các tuyên bố sứ mệnh, đó là chúng hoàn
toàn có thể tráo qua đổi lại giữa các công ty cạnh tranh với nhau, mà không
hề có đặc điểm phân biệt nào hết. Lấy ví dụ, gã khổng lồ ngành y dược
Bristol-Myers có (hay từng có) một tuyên bố sứ mệnh thế này: “Khám phá,
phát triển và mang đến loại dược phẩm đột phá giúp người bệnh đánh bại
những bệnh nghiêm trọng.” À vâng, chuẩn không cần chỉnh. Thế nhưng, ta
sẽ thấy ngay: chẳng phải câu tuyên ngôn sứ mệnh tương tự như thế này có
thể được mọi công ty dược phẩm trên hành tinh này nhận là “của riêng
mình” hay sao? Cứ đổi Bristol-Myers thành Pfizer hay Bayer, trước khi
bạn kịp nhận ra, ta đã có ngay một tuyên bố sứ mệnh kiểu “có thể áp dụng
cho mọi công ty trong lĩnh vực”, nhưng lại không hề mang bản sắc độc đáo
với một công ty riêng lẻ nào hết.
Ở đầu kia của cán cân là những công ty cố quá, để rồi thất bại chỉ vì “vẽ
rắn thêm chân”. Một ví dụ cho trường hợp này sẽ là: “Yahoo đem lại
nguồn sức mạnh và hạnh phúc cho cộng đồng người dùng, nhà quảng cáo
và chủ báo – tất cả chúng ta cùng hợp nhất, sáng tạo nên những trải
nghiệm không thể chối từ, và được tiếp lửa từ lòng tin tưởng.” Nghe thì
hay đấy, nhưng thật ra nó có nghĩa gì? Bất cứ ai viết ra tuyên bố sứ mệnh ở
Yahoo tốt hơn hết nên lắng nghe phát biểu của chính Giám đốc Điều hành
Marissa Mayer trong một lần gần đây: “Yahoo hướng vào việc làm cho các
thói quen thường nhật trên khắp thế giới trở nên giàu cảm hứng và giàu
tính giải trí hơn.” Cũng chẳng phải là thập toàn thập mỹ, nhưng đó sẽ là
một bước đi đúng hướng.