Nhưng ba năm này quy ẩn, y vẫn không yên, Hỏa Lân Kiếm bên mình
cũng chẳng yên.
Cuối cùng y cũng nghĩ ra một cách có thể phục hưng được Đoạn gia, vì
thế năm ấy mới gửi con trai Đoạn Lãng mới ba tuổi cho người bà con xa
nuôi dưỡng, để lại tiền bạc rồi một mình đi khắp nơi tìm Bắc Ẩm Cuồng
Đao.
Y tin rằng chỉ có đánh bại Bắc Ẩm Cuồng Đao danh chấn giang hồ thì
danh khí của Nam Lân kiếm thủ mới có thể vang dội hơn được.
Đáng tiếc lúc y tìm thấy Nhiếp Nhân Vương thì cũng là lúc gã đã quyết
định phong đao quy ẩn, nhẹ nhàng cự tuyệt lời khiêu chiến khiến Đoạn
Soái mất hứng quay về.
Sau khi trở về Nhạc Sơn, Đoạn Soái cảm thấy đời y khó mà có phát
triển gì, đành trông mong hết vào con trai Đoạn Lãng, cho nên mỗi ngày
đều chuyên tâm truyền thụ kiếm pháp, hy vọng con trai thành tài.
Nhưng dù có nóng lòng mong con thành tài cỡ nào, Đoạn Soái cũng
chưa bao giờ truyền dạy Thực Nhật kiếm pháp, bởi vì Thực Nhật kiếm
pháp mạnh mẽ vô cùng, cần phải thời gian dài luyện cho tâm đủ kiên
cường, nếu không sẽ sớm tẩu hỏa nhập mà, Hỏa Lân Kiếm đã tà càng thêm
tà, cực kỳ đáng sợ!
Dù chưa được truyền dạy Thực Nhật kiếm pháp nhưng Đoạn Lãng vẫn
tập luyện những chiêu thức kiếm pháp bình thường một cách chăm chỉ, bởi
vì nó vốn thích võ, hơn nữa, dù còn nhỏ nhưng nó đã tự biết mình mệnh
khổ.
Còn không phải nữa sao? Đoạn gia tới thời của nó đã suy kiệt lắm rồi,
cho dù cha nó có là Nam Lân kiếm thủ thì cũng không thể phục hưng được,
nên trách nhiệm khôi phục Đoạn gia dồn hết lên vai Đoạn Lãng, phải gánh
vác trách nhiệm trọng đại như thế còn không khổ nữa hay sao?