rộng. Cùng với đó là số học sinh nhập học ngày càng tăng. Việc dịch
chuyển này đã mang lại cho trường Keiō-gijuku một bộ mặt mới.
Tiện đây, tôi cũng xin kể một câu chuyện đã trở thành giai thoại. Từ
Shinsenza, chúng tôi chuyển đến Mita. Nhờ đó, tổng diện tích được mở
rộng lên gấp ba mươi lần. Diện tích nhà cũng rất rộng, không thể đem
trường cũ ra so sánh được. Phòng học mới, tức chỉ những phòng vốn là
hành lang của ngôi nhà cũ mà bề ngang đã rộng tới 9 Shaku (khoảng 2.7 m
–ND). Ngày nào tôi cũng đi vòng quanh trường và quy định chủ nhật là
ngày dọn dẹp. Từ các ngóc ngách trong phòng của học sinh đến nhà vệ
sinh, tôi đều đích thân đến mở cửa kiểm tra kỹ càng, nên một ngày tôi đi lại
ở hành lang mấy lần và gặp rất nhiều học sinh.
Cứ mỗi lần đi giáp nhau như vậy, cả các học sinh mới, mặc dù chưa biết gì,
nhưng cứ thấy tôi là cúi chào kính cẩn. Học sinh cúi đầu chào trước, nên tôi
cũng phải cúi đầu đáp lại. Trong lúc bận rộn mà đôi bên cứ phải chào nhau
như thế rất phiền nhiễu. Tôi mới đem ý nghĩ này đi hỏi các thầy cô giáo
khác trong trường: “Các anh, các chị có thấy khổ vì cứ phải chào từng học
sinh khi gặp ở hành lang không? Tôi thấy như thế đôi bên làm mất thì giờ
của nhau quá!”. Tất cả mọi người đều đồng tình vì trường đã được mở
rộng, không thể giữ nếp cúi chào như ở trong nhà được. Khi đó, tôi đã bảo:
“Thôi được, thế thì để tôi ra thông báo quy định về việc này!”.
Thông báo có nội dung như sau: “Từ trước đến nay vẫn cấm học sinh của
trường vô lễ, không chỉ với người trên, mà cả giữa các học sinh với nhau.
Nhưng ở những nơi có thể gặp nhau nhiều lần như hành lang của giảng
đường, trong và ngoài trường, dù có gặp các thầy cô giáo, cũng không phải
chào, vì đó là việc làm không cần thiết. Chỉ cần hai bên nhìn nhau thể hiện
lễ nghĩa là đủ. Tốn thời gian vào những việc hình thức, không mang lại lợi
ích là việc làm trái với tính chất của học sinh. Vì vậy, tôi xin ra quy định
này để toàn thể giáo viên, học sinh chú ý!”.