Lev Tolstoy
PHỤC SINH
Dịch giả : Vũ Đình Phòng, Phùng Uông
Chương 104
Mặc dầu hoàn cảnh của tù chính trị cũng cực khổ, song, sau sáu năm sống
cuộc đời truỵ lạc, xa hoa, uỷ mị ở thành phố và hai tháng sống với tù
thường phạm, Katiusa cảm thấy giờ đây sống với tù chính trị rất là sung
sướng. Mỗi ngày đi hai, ba chục cây số với mức ăn uống khá hơn, lại cứ
sau hai ngày đi, nghỉ một ngày, làm cho nàng khỏe ra; sống gần gũi những
người bạn mới, nàng tìm ra được nguồn sinh thú mà nàng chưa hề biết đến.
Những con người kỳ diệu (nàng nói thế) như những người hiện nay đang
cùng sống với nàng, chẳng những trước kia nàng chưa hề gặp mà ngay đến
tưởng tượng thôi nàng cũng chưa hề tưởng tượng ra được.
"Thế mà khi tuyên án, mình lại khóc, - nàng nói. - Đáng lẽ ta phải cảm ơn
Chúa suốt đời mới phải. Nhờ đó ta đã được biết những điều mà nếu sống
trong hoàn cảnh khác, không bao giờ ta biết được".
Nàng hiểu rất dễ dàng những động cơ hành động của những con người đó;
vốn xuất thân từ quẩn chúng, nàng hoàn toàn thông cảm với họ. Nàng hiểu
là họ vì nhân dân mà chống lại giai cấp trên; và tuy bản thân họ cũng thuộc
về giai cấp trên, nhưng họ đã hy sinh quyền lợi, hy sinh tự do, đời sống của
họ cho nhân dân, điều đó đặc biệt làm cho nàng kính trọng và khâm phục
họ.
Nàng khâm phục tất cả các bạn mới quen biết, nhưng đặc biệt nàng khâm
phục Maria Paplovna, không những phục mà còn yêu Maria với một tình
yêu đặc biệt, trân trọng và nồng nàn. Nàng rất ngạc nhiên là sao một cô gái
đẹp, biết ba thứ tiếng, con gái một viên tướng giàu có lại có thể sống như
một cô gái lao động bình thường, và đã đem cho người khác tất cả những gì
mà anh cô - một người giàu có đã gửi cho cô; cô ta ăn mặc chẳng những
giản dị mà còn nghèo nàn, không hề để ý đến bề ngoài. Maria không mảy
may làm dáng, nét đặc sắc đó khiến Maxlova lấy làm lạ và vì thế lại thêm
phần quý mến.