rượu, lão uống bất cứ một thứ rượu gì cũng thấy say ngay. Rượu đã trở
thành một nhu cầu tuyệt đối cần thiết đối với lão không có rượu lão không
sống được, thành ra chiều nào lão cũng say mềm, nhưng vì đã quá quen nên
lão cũng không hề đi lảo đảo hay nói lảm nhảm. Vả lại, nếu khi say lão có
nói bậy nữa thì lời nói bậy đó do cái địa vị quan trọng đường đường một
bậc thủ hiến của lão cũng được coi là những lời nói khôn.
Chỉ có vào buổi sáng - đúng lúc Nekhliudov lại thăm - là lúc mà giống một
người bình thường, lão sáng suốt và có thể hiểu được những lời mà người
ta nói với lão: và ta có thể áp dụng ít hay nhiều ở đây câu tục ngữ mà lão
thích nhắc lại là "say mà sáng suốt lợi cả hai bề". Cấp trên biết lão là người
rượu chè, nhưng vì lão là người có học thức hơn những kẻ khác - tuy đã
đến khi nghiện rượu thì học thức ấy không tiến hơn được nữa - lão lại can
đảm, khôn khéo, oai vệ, thông minh và khi say cũng biết xử sự đúng mực,
nên lão được bổ nhiệm và được phép giữ chức vụ quan trọng nầy.
Nekhliudov nói với lão rằng người mà chàng quan tâm đến là một người
phụ nữ đã bị xử oan và đã có sớ khiếu oan dâng lên Hoàng đế rồi.
- Vậy thì sao?
- Ở Petersburg có hứa với tôi là nội trong tháng nầy sẽ tin cho tôi biết về số
phận của người đàn bà đó và giấy tờ sẽ gửi về đây.
Viên tướng, mắt không rời Nekhliudov, đưa bàn tay ngắn chũn về phía bàn
và bấm chuông. Lão vẫn yên lặng nghe, hít một hơi thuốc lá và ho rất to.
- Tôi muốn xin cho người đó được phép ở lại đây cho đến khi sớ khiếu oan
được trả lời.
Người lính hầu cận bận quân phục đi vào.
- Hỏi xem bà Anna Vaxilievna đã dậy chưa, - tướng thống đốc bảo người
hầu, - và đem một ít trà nữa lại đây.
Rồi quay lại Nekhliudov lão nói:
- Rồi sao nữa?
- Yêu cầu thứ hai là về một người tù chính trị cùng đi trong đoàn tù nầy.
- À là thế - tướng thống đốc nói, đầu gật gù một cách có ý nghĩa.
- Anh ta ốm nặng, sắp chết - và có lẽ phải nằm lại bệnh viện ở đây. Vì thế
một nữ chính trị phạm muốn ở lại với anh ta.