ngơ ngẩn cắn nhắn một củ khoai nhỏ.
Nhan đứng ở cửa bếp nhìn xéo lên nhà trên rồi chợt thở dài. Nàng chợt
nhận thấy cha mình đã già quá và cũng gầy quá. Từ ngày đoàn quân bỏ đi,
cảnh làng đã hoang vắng lại càng hoang vắng hơn. Trong thâm tâm mỗi
người một nỗi chán nản lạ thường. Chút hy vọng còn lại đã tan biến, còn
chăng là niềm tin mong manh về một ngày mai hòa bình, yên ổn, cái ngày
mà những người bà con của họ sẽ trở về, và thôn xóm lại tái tạo đời sống
mới. Nhưng bên trong cùng, một lý do khác sâu xa hơn đó là sức sống, sự
tin sống vẫn còn chảy mạnh trong huyết quản của người dân suốt đời cần
cù lam lũ, đã cày cấy trên mảnh đất khô cằn suốt cuộc đời mình, đã yêu đất,
thương đất, sống vì đất, và họ không bỏ được miền đất thân yêu mà họ đã
quen, đã biết.
Nhưng đối với Nhan thì nàng không còn hiểu được có cái gì đã lôi kéo
nàng ở lại miền hoang vắng nầy. Những đám cây, những mảnh ruộng cằn
khô kia giờ xa lạ với Nhan. Nàng không còn tin yêu, không còn mơ mộng.
Tuổi ngây thơ qua mau với mối tình đầu sớm sầu, sớm khổ. Nghi đi rồi, để
lại trong lòng Nhan nỗi buồn chất ngất. Nhưng tất cả không bằng sự trống
vắng ghê gớm, nỗi cô đơn dầy đặc quanh mình.
Hơn bao giờ hết, Nhan nhớ lại Nghi với từng câu nói, giọng cười, từng
tiếng hát, lời êm. Và đôi lúc nàng nghĩ phải chăng đấy là cành khô độc nhất
cột dính Nhan với hiện tại bên con lạch nước đục ngầu trong khu làng
hoang vắng tiêu điều nầy Nhan nhớ lại những câu hát mà Nghi đã dạy
nàng. Lời buồn và thâm trầm quá, Nhan không hiểu hết, nhưng nàng ưa
thích. « Ðêm bây giờ, đêm quá hư vô. Ðêm bây giờ đêm quá hư không.
Còn lại gì. Còn lại mình. Ðời buồn tênh ».
Và đời Nhan cũng buồn tênh như một đêm thao thức, mà đêm thì dài suốt
một đời nàng.
- Nhan ơi. Nhan…
Tiếng kêu yếu ớt của cha làm Nhan giật mình. Kể từ khi thằng Lời bỏ đi
theo đoàn quân, ông già mù càng yên lặng hơn, yếu hơn. Có ngày ông
không buồn nói một câu nào với ai, mặc dù hôm biết được thằng Lời đã đi,
ông lặng người một chốc rồi nói :