Trong một đêm trăng sáng đầy trời, khi ánh trăng bàng bạc chiếu vào
phòng, nó tỉnh giấc, đi đến bên cửa sổ. Hình như cả đêm nó đứng canh ở đó,
vươn cổ ra không hề động đậy, ngắm nhìn ánh trăng chiếu khắp bên ngoài,
chìm đắm trong những suy tưởng của riêng mình. Sự yên tĩnh và bình yên
này chỉ bị phá tan bởi hơi thở thật sâu và dài của nó, như tín hiệu của nỗi
đau đến rồi dần dần yếu đi.”
Trong một chương khác của cuốn sách, Itard chỉ ra rằng: đứa bé này
không thể đi lại với tư thế bình thường, nó chỉ biết chạy. Ông còn kể với
chúng tôi rằng, khi dẫn nó đi bộ trên đường phố Paris, ông thường phải chạy
đuổi theo nó, thay vì đo tốc độ đi của nó.
Qua quá trình trị liệu cho đứa trẻ hoang dã này, Itard đã cung cấp cho
chúng ta một tài liệu minh chứng quý báu là sự kết hợp của nhiều nguyên
tắc giáo dục, có thể ứng dụng trong việc giáo dục tất cả trẻ em. Trong vấn đề
này chúng tôi đặc biệt chỉ ra, Itard đã sử dụng phương thức mềm mỏng,
“mưa dầm thấm lâu” với đứa trẻ hoang dã, từ từ đưa nó đến với cuộc sống
xã hội. Đây là lần đầu tiên ông tự mình gần gũi với học sinh, mà không phải
là đợi học sinh đến với mình, ông làm cho cuộc sống mới trở nên tràn đầy
sức hấp dẫn và sử dụng sức hấp dẫn kì lạ này giành lấy trái tim đứa trẻ
hoang dã, thay vì dùng phương thức thô bạo làm cho đứa trẻ đau khổ và
phản kháng để ép nó thích ứng với cuộc sống mới.
Tôi cho rằng, chưa có tác phẩm nào có thể cung cấp cho chúng tôi sự so
sánh sinh động như vậy giữa tự nhiên và cuộc sống xã hội, hơn nữa tác
phẩm này còn nói rõ với chúng tôi rằng, cuộc sống xã hội đầy rẫy sự ruồng
rẫy và trói buộc. Nó đủ để khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn, xem
cần phải thay đổi như thế nào để đứa trẻ tự giác chuyển từ chạy nhanh trở
thành đi dạo nhịp nhàng, hay làm thế nào để hạ thấp tiếng thét gào đầy xúc
động xuống tiếng nói bình thường.
Trong xã hội ngày nay, điều kiện sống của trẻ em càng ngày càng xa rời
thiên nhiên, rất ít có cơ hội tiếp cận với thiên nhiên, càng không có bất kì
trải nghiệm trực tiếp nào về thế giới tự nhiên.