Lời bàn của dịch giả
Nhìn chung các mục giải thích về “phép tổng thể trị liệu”, tác giả trình bày qua về các loại thuốc và
công dụng. Nếu là người thích khoa học thì ai ai cũng thấy có một sự minh bạch rõ ràng, cơ hồ như
tháo một cái máy ra thành từng phần riêng biệt. Nhưng đến mục chót, nếu tỉ mỉ để ý ta sẽ thấy: phải
chăng tác giả gần như muốn bước sang hẳn về lãnh vực phân tích và gạt qua hẳn định luật âm dương
khí hóa ở chỗ tác giả đã đứng và đã từng nêu ra để kết thành một tác dụng niềm tin như đã nói trên?
Chỗ này chúng ta nên chuẩn bị tinh thần khi theo dõi đến mục công thức và dược tánh để khỏi bị đánh
lạc kim chỉ nam.
Càng lợi thì càng hại, càng được thì càng mất, càng nhiều thì càng ít, càng có thì càng không, càng
mạnh thì càng yếu; nhất định là một định luật, muốn nhiều, muốn có, muốn lợi, muốn được, muốn mạnh
là tâm lý chung của loài người. Lúc nào cũng muốn gạt bỏ phần ít, phần không, phần hại, phần mất,
phần yếu là bệnh chung của kỹ thuật gia thời đại. Nhà nguyên tử học nhờ kỹ thuật phân tích mà có một
sức phá hoại kinh thiên, mặc dù bản thân của nhà nguyên tử học cũng không nằm ngoài sự phá hoại đó.
Và cuối cùng, kết quả là vẫn ngơ ngác trên đường cùng của tâm và vật.
Nhà bào chế Tây y nhờ kỹ thuật phân tích nên sức mạnh ấy thiên về một chiều (như kỹ thuật chế
Santonine, Pelletiérine, Quinine, Émitine, Éphédrine, Adrenalin,…) để cuối cùng được kết quả thỉnh
thoảng xảy ra một trường hợp ngộ độc bởi một chiều, rồi suy nhược hoặc chết như trường hợp ngộ độc
Santonine, Pelletiérine, Quinine,… và rồi sẽ phải văn minh thêm chút nữa để đi đến cái gọi là kỹ thuật
Total. Ví hoặc có người không chịu tiến về kỹ thuật Total thì lại tiến về chiều hướng phân tích, nghĩa là
nối đuôi theo sau nhà nguyên tử học.
Trên kết quả thí nghiệm khi ngộ độc Pelletiérine thì tất cả nhóm những chất bị thải ra sẽ là thuốc giải
hữu hiệu.