hơn. Và chúng ta cũng gặp thêm nhiều khó khăn hơn để đạt được
kết quả mong đợi. Bạn có thể kiểm chứng điều này qua những lỗi
mà các nhà chức trách gặp phải khi đối phó với bão lũ, lốc xoáy hay
các thảm họa khác. Đó cũng chính là lý do tại sao số lượng các vụ
thân chủ kiện lại luật sư của mình tăng 36% chỉ trong khoảng thời
gian từ năm 2004 đến năm 2007, mà nguyên nhân chỉ là những lỗi
khá đơn giản như quên lịch hẹn, xử lý tình huống kém cỏi hay áp
dụng sai luật. Ngoài ra, có thể kể thêm những ví dụ khác, chẳng hạn
như lỗi trong các thiết kế phần mềm hay trong hệ thống ngân hàng
yếu kém. Thực tế cho thấy dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào,
bạn cũng cần am hiểu nhiều kiến thức liên quan.
Mỗi khi gặp những tình huống như trên, chúng ta cảm thấy
hoang mang, lo lắng bởi sự thất bại vì thiếu hiểu biết có thể tha thứ
được, hoặc trong tình huống không tìm được giải pháp tối ưu thì
chúng ta cũng cảm thấy an lòng vì mọi người đã nỗ lực hết mình.
Nhưng chúng ta sẽ thực sự bức xúc nếu vẫn còn có giải pháp tốt
hơn, mà vì một lý do nào đó lại không được áp dụng. Bạn sẽ nghĩ gì
khi biết có đến một nửa số bệnh nhân đau tim không được chữa
chạy kịp thời? Bạn nghĩ gì nếu biết hai phần ba số ca bệnh phải trả
giá bằng cái chết chỉ vì các sai sót của nhân viên y tế? Hai triết gia
Gorovi và MacIntyre đã có lý khi gọi những thất bại ấy bằng một
cái tên nghe thật tàn nhẫn – không có khả năng. Những người khác
thì lại sử dụng những từ như bất cẩn, hay thậm chí là nhẫn tâm.
Tuy nhiên, đối với những người trực tiếp làm việc - những
người chăm sóc bệnh nhân, thực thi luật pháp hay cứu hộ, tức là
những người được đòi hỏi phải hành động nhanh - thì dường như
phán xét trên chưa phù hợp khi bỏ qua một thực tế rằng đây là
những công việc rất khó khăn. Trong khi đó, do công việc đặc thù
nên mỗi ngày chúng ta lại càng có thêm nhiều việc phải thực hiện,
phải làm đúng và phải học hỏi. Chưa kể, khi rơi vào hoàn cảnh khắc
nghiệt, con người thường dễ gặp thất bại, mặc dù đã cố gắng hơn rất