thường bị bỏ qua ở hầu hết ngành nghề khác). Họ làm theo các danh
mục kiểm tra. Họ tự giới thiệu với nhau và với phi hành đoàn. Tiếp
theo là một cuộc hội ý ngắn gọn về kế hoạch bay, những mối lo ngại
có thể xảy ra và cách xử lý nếu gặp sự cố. Bằng cách bám sát thủ tục
ấy – chỉ mất vài phút – họ không chỉ đảm bảo máy bay sẵn sàng cất
cánh, mà còn tự biến họ từ những cá thể xa lạ thành một đội bay gắn
kết, được chuẩn bị có hệ thống để xử lý bất cứ vấn đề nào xảy ra
trong suốt hành trình.
Giả sử Sullenberger và Skiles bỏ qua một số bước chuẩn bị trong
ngày hôm đó thì có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Phi hành đoàn có tổng
cộng hơn 150 năm kinh nghiệm bay – 150 năm làm theo danh mục
kiểm tra lặp đi lặp lại, thực hành bay dưới dạng mô phỏng, cập nhật
danh sách mới hàng năm. Công việc hàng ngày này gần như vô
nghĩa. Họ thấy vấn đề dù nhỏ nhất cũng hiếm khi xảy ra, tỷ lệ xảy ra
rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với công việc trong ngành y, lĩnh vực
đầu tư, ngành luật hay những lĩnh vực khác. Nhưng dù sao họ cũng
đã áp dụng danh mục kiểm tra.
Chỉ mới đây thôi, vào những năm 70, một số phi công vẫn xem
thường các bước chuẩn bị trước khi bay, dù họ đã có các danh mục
kiểm tra được soạn một cách cẩn thận. Họ thường nói: “Tôi chưa bao
giờ gặp vấn đề gì cả”. Hay “Cứ bắt tay vào việc đi. Mọi thứ đều ổn
mà”. Hoặc “Tôi là cơ trưởng, đây là máy bay của tôi. Và ông anh
đang làm mất thì giờ của tôi đó”. Hãy nhớ lại tai nạn thảm khốc ở
Tenerife vào năm 1977 gây chết người nhiều nhất trong lịch sử
ngành hàng không. Hai chiếc máy bay Boeing 747 đã đâm vào nhau
trên đường băng mịt mù sương tại đảo Canary của Tây Ban Nha. Vụ
tai nạn đã làm 583 người thiệt mạng. Cơ trưởng một trong hai chiếc
máy bay ấy – là máy bay của hãng hàng không Hà Lan KLM - đã
hiểu sai hướng dẫn của trạm kiểm soát không lưu lúc ấy đang
truyền đi rằng đường băng chưa thông để cất cánh. Cơ trưởng cũng
không để ý đến cảnh báo của cơ phó thứ hai, là người phát hiện ra