triclocarban. Hàng tuần, các nhân viên của HOPE tỏa đến 25 vùng
được chọn ngẫu nhiên trong các khu ổ chuột ở Karachi để phân phát
xà phòng. Một số vùng nhận được xà phòng có chất diệt khuẩn,
những vùng còn lại nhận được xà phòng loại thường. Họ khuyến
khích mọi người sử dụng xà phòng trong sáu trường hợp: tắm sạch
cơ thể một lần mỗi ngày, rửa tay sau mỗi lần đi vệ sinh, vệ sinh cho
trẻ nhỏ, trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, và khi đút
ăn cho người khác. Sau đó, họ thu thập thông tin về tỷ lệ mắc bệnh
của trẻ em ở 25 vùng này và 11 vùng không được phát xà phòng.
Năm 2005, trên tạp chí y khoa Lancet, nhóm của Luby đã công
bố kết quả. Các hộ gia đình trong vùng được phát xà phòng nhận
bình quân 3,3 bánh xà phòng mỗi tuần trong một năm. Trong suốt
thời gian đó, tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em ở đây giảm 52% so
với vùng không được phát xà phòng, bất kể xà phòng được sử dụng
là loại thường hay diệt khuẩn. Tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi giảm 48%.
Tỷ lệ mắc bệnh chốc lở giảm 35%. Đây là những kết quả đáng kinh
ngạc. Và chúng đạt được bất chấp nạn mù chữ, nghèo đói, tình trạng
đông dân và hàng ngày người ta vẫn ăn uống và tắm giặt bằng
nguồn nước nhiễm khuẩn.
Thế nhưng Procter & Gamble lại tỏ ra thất vọng với kết quả
nghiên cứu này. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy lợi ích nào khi bổ
sung chất diệt khuẩn vào bánh xà phòng. Xà phòng thường vẫn có
hiệu quả diệt khuẩn. Đây chính là chiếc đòn bẩy, theo cách gọi của
Archimedes.
Anh nói với tôi, trong trường hợp này, xà phòng không chỉ là xà
phòng, mà đã trở thành phương tiện giúp thay đổi hành vi của con
người. Nhóm nghiên cứu không chỉ trao cho người dân bánh xà
phòng Safeguard. Họ còn hướng dẫn – bằng thông tin in trên những
tờ rơi và chỉ dạy từng người – giải thích rõ sáu trường hợp phải sử
dụng xà phòng. Đây là yếu tố cần thiết để tạo sự khác biệt. Khi xem