cùng, ông kết luận rằng chính nguồn nước bị nhiễm khuẩn là
nguyên nhân của sự lan truyền bệnh tả. (Sau này người ta phát hiện
ra rằng giếng nước được đào gần một hầm cầu bị rò rỉ). Ông thuyết
phục Hội đồng Giáo phận dỡ bỏ tay bơm và người dân cũng không
sử dụng nước ở đó nữa. Cách làm này đã phong tỏa nguồn lây bệnh,
đồng thời tạo ra những phương pháp cần thiết nhằm tìm hiểu
nguyên nhân của các đại dịch được nhiều chuyên gia bệnh truyền
nhiễm sử dụng đến tận ngày nay.
Cách giải quyết ở những trường hợp này có cùng một đặc điểm
là khá đơn giản – tiêm vắc-xin, tháo tay bơm nước. Kết quả được
đánh giá cẩn thận và có sự tác động lan truyền – trong kinh doanh,
người ta thường dùng thuật ngữ “tỷ lệ hoàn vốn đầu tư”, còn
Archimedes gọi là đòn bẩy.
Những yếu tố này – đơn giản, định lượng được, có thể lan
truyền – khiến tôi nhớ lại một trong những nghiên cứu về y tế công
mà tôi khá tâm đắc. Đó là chương trình y tế công hợp tác giữa Trung
tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) và tổ chức
HOPE – một tổ chức từ thiện ở Pakistan, nhằm đối phó với tình
trạng chết yểu của những đứa trẻ sống trong khu ổ chuột ở thành
phố Karachi (Pakistan). Các khu định cư bất hợp pháp mọc lên ở
những vùng đất bị bỏ hoang xung quanh thành phố rộng lớn này
phải chứa tới hơn bốn triệu người sống chen chúc trong cảnh nghèo
khổ. Rác đầy đường. Nạn nghèo đói và thiếu lương thực khiến cho
30% đến 40% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Hầu như mọi nguồn nước
uống đều nhiễm khuẩn. Cứ mười đứa trẻ thì có một chết trước năm
tuổi – thường là do mắc tiêu chảy hay nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Căn nguyên của những vấn đề này rất sâu xa và liên quan đến
nhiều yếu tố. Ngoài việc thiếu hệ thống xử lý nước và chất thải, nạn
thất học cũng góp phần cản trở quá trình phổ cập kiến thức chăm
sóc sức khỏe cơ bản. Nạn tham nhũng, chính trị không ổn định, cộng