mổ, thời gian lưu thông vẫn đủ để thuốc ngấm vào các mô trước khi
con dao đụng đến da bệnh nhân.
Nhưng đôi lúc người ta vẫn bỏ qua bước này. Năm 2005, Bệnh
viện Nhi Columbus đã kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và phát hiện thấy
hơn một phần ba bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa không được
tiêm đúng loại kháng sinh vào đúng thời điểm cần thiết. Một số
được tiêm quá sớm. Một số lại quá trễ. Rồi lại có trẻ không hề được
tiêm kháng sinh.
Việc này khó thực hiện đến vậy sao? Những người trong ngành
y cho rằng đây là một việc đơn giản và chúng ta luôn thực hiện
đúng. Nhưng thực tế không phải vậy. Khi có một bệnh nhân được
đẩy vào phòng mổ, mọi thứ sẽ rối tung lên và đây chính là lúc chúng
ta bỏ quên các bước cần thực hiện. Bác sĩ gây mê là người có nhiệm
vụ tiêm kháng sinh, nhưng lúc này lại đang tập trung để gây mê cho
bệnh nhân sao cho thật an toàn và nhẹ nhàng – đây không phải là
vấn đề đơn giản khi bệnh nhân ấy là một đứa trẻ tám tuổi đang sợ
hãi, nằm trên cái bàn lạnh cóng trong căn phòng toàn những người
xa lạ. Đấy là chưa kể đến các sự cố khác có thể xảy ra: thiết bị trục
trặc, cơn hen làm bệnh nhân khó thở, bác sĩ phẫu thuật bị gọi về
phòng cấp cứu… Và chúng ta hiểu ra vì sao một động tác đơn giản
như tiêm kháng sinh lại có thể bị bỏ qua.
Giám đốc ban quản trị phẫu thuật của bệnh viện mà tôi đề cập ở
trên - người xuất thân từ bác sĩ phẫu thuật tim trẻ em và cũng là một
phi công - quyết định áp dụng cách làm của ngành hàng không. Ông
lập một danh mục “Những việc cần làm trước khi mổ” rồi dán trên
tấm bảng trắng ở mỗi phòng mổ. Trông nó khá đơn giản. Có một ô
dành cho y tá để đánh dấu sau khi họ xác nhận bằng miệng với ê kíp
rằng họ đã tiếp nhận đúng bệnh nhân và vùng cơ thể cần giải phẫu –
là điều mà các ê kíp luôn phải xác định rõ. Thêm một ô để xác nhận