đã tiêm kháng sinh cho bệnh nhân (còn vài lưu ý khác nữa, nhưng
chỉ được dùng đến trong một số trường hợp cụ thể).
Tấm bảng chỉ có thế. Nhưng thật khó để các ê kíp ngưng lại và
đánh dấu, còn để thao tác đó trở thành một thói quen trong phòng
mổ thì thật là nan giải. Vì thế, giám đốc đã đích thân giải thích cho
các y tá, bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật biết ý nghĩa của danh
mục kiểm tra. Ngoài ra, ông còn cho thiết kế một cái hộp nhỏ bằng
kim loại có khắc chữ Những việc cần làm trước khi mổ và đặt vào
trong hộp đựng dụng cụ mổ. Cái hộp dài khoảng một gang tay, đủ
để đặt một con dao mổ, và các y tá phải mở nó ra để lấy con dao khi
sắp xếp dụng cụ trước ca mổ. Thao tác này nhắc nhở y tá điền vào
danh mục kiểm tra trước khi bắt đầu mổ. Và quan trọng là nó đảm
bảo rằng bác sĩ phẫu thuật không thể bắt đầu ca mổ cho đến khi y tá
ra hiệu và cái hộp được mở ra. Quả là một sáng kiến khôn ngoan! Sự
phân quyền đã được áp dụng cho một danh mục kiểm tra đơn giản
nhất.
Ông giám đốc xem lại kết quả. Sau ba tháng, 89% bệnh nhân
phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được tiêm đúng loại kháng sinh vào
đúng thời điểm. Và sau mười tháng, con số này tăng lên 100%. Danh
mục kiểm tra đã trở nên quen thuộc và các thành viên trong ê kíp đã
tập được thói quen chưa tiến hành mổ, nếu chưa hoàn thành đầy đủ
các bước cần thiết.
Tôi lấy làm ngạc nhiên. Nhưng vẫn hồ nghi. Đúng là nhờ danh
mục kiểm tra mà bệnh viện này luôn thực hiện đúng một trong
những thao tác chăm sóc bệnh nhân phẫu thuật. Thậm chí, tôi sẵn
sàng tin rằng kết quả tỷ lệ nhiễm trùng phẫu thuật đã giảm đáng kể.
Nhưng để loại trừ hoàn toàn các biến chứng, tôi cho rằng chúng ta
cần một danh mục kiểm tra bao quát được tất cả các khâu có thể mắc
sai sót trong phẫu thuật.