Trong lời kêu gọi, cụ thể nói rằng: “Không có sự tự nguyện hòa
giải của người dân Nga, không có tầm nhìn xa của Mikhail Gorbachev,
không có sự ủng hộ của những đồng minh phương Tây của chúng ta
và không có những hành động thận trọng của chính phủ liên bang lúc
ấy, đã không thể khắc phục được sự chia rẽ của châu Âu. Thành tựu
của việc thống nhất nước Đức bằng các phương tiện hòa bình là hành
động vĩ đại và đầy thông thái của các cường quốc - người thắng cuộc...
Nhu cầu của người Nga về sự an toàn của chính họ cũng chính đáng
và rõ ràng như của người Đức, Ba Lan, Baltic và Ukraine. Chúng ta
không có quyền lấn người Nga ra khỏi châu Âu. Đó là chống lại lịch
sử, không khôn ngoan và nguy hiểm cho hòa bình” (346).
Mùa hè năm 2015, trong khuôn khổ một trong những cuộc thăm
dò dư luận xã hội, Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ Pew ở Washington
phát hiện sự khác biệt ngày càng tăng giữa ý kiến người Đức và người
Mỹ về thái độ của người Đức với NATO đã xấu đi từ khi bắt đầu cuộc
xung đột ở Ukraine. Giờ đây, chỉ 1/2 có thái độ tích cực đối với liên
minh. Thậm chí, nếu Nga tấn công một trong những nước thành viên
NATO, hơn một nửa công dân Đức cũng không muốn NATO can thiệp
vào cuộc xung đột, còn chiến đấu cho Ukraine là điều người Đức
không mong muốn trong bất cứ trường hợp nào. Ngoài ra, đa số đáng
kể công dân nước này chống lại việc Ukraine gia nhập EU, đặc biệt là
vào NATO (347).
Đồng thời, người Đức giờ đây đã không còn chia sẻ vô điều kiện
một trong những giả định từng chính xác đến ngạc nhiên mà cố vấn
Hoa Kỳ về vấn đề an ninh, Zbigniew Brzezinski, đưa ra vào năm 1997
trong cuốn sách Bàn cờ vĩ đại. “Hiện nay, lợi ích của Đức trùng khớp
với lợi ích của EU và NATO, và chúng trở nên cao cả nhờ họ. Thậm
chí, các đại diện cánh tả ‘Liên minh 90/Đảng Xanh’ cũng ủng hộ việc
mở rộng cả NATO lẫn EU”, Brzezinski viết trong cuốn sách và tìm
thấy ở đây lời giải thích tâm lý cho hiện tượng này - tất cả mọi việc
nằm trong cảm giác có lỗi của người Đức vì đã gây ra chiến tranh.