để làm áp lực. Các vị có cao kiến gì, xin giúp chúng tôi thoát thân, nguyện
không bao giờ quên ơn.
Bất thình lình, Đào Kỳ vung chưởng đánh vào mặt người già. Chưởng pháp
chàng sử dụng đúng là chưởng pháp Cửu-chân. Người già vung tay đỡ lại,
cũng bằng chưởng pháp Cửu-chân. Hai chưởng chạm nhau đánh bùng một
cái. Người già nhảy lùi lại, trong khi Đào Kỳ vẫn đứng nguyên tại chỗ. Đào
Kỳ thấy chưởng lực người già ngang với chưởng của cha mình. Chàng nhìn
kỹ người thì thấy không phải là cha hay cậu mình. Người này nhỏ hơn một
chút. Tiếng nói pha giọng Bắc khá nhiều. Chàng liền vung chưởng đánh
liên tiếp 20 chưởng, toàn hư chiêu. Người kia vung chưởng đỡ. Hai người
sử dụng cùng một thứ võ công, cuốn lấy nhau như đôi bướm lập lờ, khó
phân biệt ai thắng, ai bại. Bỗng người kia nhảy lùi lại một bước, hỏi:
– Âu công tử! Công tử với Cửu-chân song kiệt là chỗ thế nào?
Phương Dung bước ra, lấp loáng mấy ánh kiếm xoẹt xoẹt, cắt đứt vải che
mặt của bọn người kia rồi lùi lại. Tất cả mọi người đều kêu ái chà một
tiếng. Tiếng ái chà của Lê Chân và bọn người bịt mắt thì ngạc nhiên về
kiếm pháp thần tốc của Phương Dung. Còn Đào Kỳ ái chà là vì người già,
mặt giống hệt cha chàng. Chàng vội hỏi người già:
– Tiên sinh là Đào... Thế Hùng?
Người kia thở dài:
– Tôi ẩn thân gần mười năm, không ai biết tung tích. Không ngờ hôm nay
bị công tử tìm ra. Này công tử, võ công của người cao gấp mấy lần ta,
người lại sử dụng võ công Cửu-chân, nhưng dường như nội công là của
Tản-viên, rồi cách biến hoá thì giống như kiếm thuật của Long-biên. Ta ẩn
thân đã lâu, không ngờ đất nước mình mới nảy ra được nhân tài quán thế
như vậy.
Đào Kỳ phục xuống đất lạy:
– Cháu là Đào Kỳ, xin ra mắt chú hai.
Đào Thế Hùng đỡ Đào Kỳ dậy, nước mắt rưng rưng, hỏi:
– Thì ra cháu là con út của anh ta. Chú ẩn thân làm Huyện-uý Đăng-châu từ
lâu. Gần đây chú nghe tin Thái thú Cửu-chân là Nhâm Diên đánh phá Đào,
Đinh trang, không biết anh chị và các cháu lưu lạc phương nào? Ta đau khổ