đổ tội bắt Tô Phương cho lão bá. Đợi lão bá bắt xong Đào Kỳ, Phương
Dung rồi, y ra tay giết Tô Phương, Ngũ Phương thần kiếm và quản ngục để
diệt khẩu.
Phương Dung lắc đầu:
– Nếu Trương Thanh ngu muội thì y sẽ hành động như vậy. Còn nếu khôn
ngoan thì y không dám. Muôn ngàn lần y không dám.
Đào Thế Hùng ngạc nhiên:
– Tại sao y không dám?
Phương Dung cười:
– Lão bá thử đặt mình vào trường hợp y, rồi suy nghĩ sẽ thấy. Lão bá là
Huyện-úy, Huyện-lệnh chỉ có quyền giết khi lão bá cử binh làm phản. Còn
không, y phải phúc bẩm về Thái-thú để xin lệnh. Nay lão bá đã làm phản
đâu? Vả lại các tướng sĩ cùng quân sĩ đều là người thân tín của lão bá, dễ gì
Lưu Chương đã điều động được họ? Quân số của huyện Đăng-châu cũng
không đủ để đánh trang ấp của lão bá.
Đào Thế Hùng hiểu ra, ông nhìn Phương Dung bằng con mắt khâm phục.
Ông nghĩ thầm:
– Con bé này là bạn của Đào Kỳ, mới từng ấy tuổi mà ước tính tình hình
như một vị tể tướng. Chỉ cần năm, ba năm nữa, nó sẽ trở thành vô địch.
Ông trả lời:
– Lưu Chương là tên hồ đồ, ngu muội.
Lê Chân quyết định:
– Đúng, tiên hạ thủ vi cường. Tôi có ba kế hoạch, xin lão bá chọn lấy một.
Thứ nhất: Lão bá cùng hai em Kỳ, Dung với tôi, đánh cướp nhà ngục thả
Tô Phương ra. Tô Phương sẽ giết chết Trương Thanh. Y cảm kích, có khi
xin cha tấu cho lão bá làm Huyện-lệnh. Lão bá yên tâm, ẩn thân, chờ ngày
khởi nghĩa, đem quân bản bộ ở Đăng-châu đánh lên Luy-lâu.
Phương Dung suýt xoa:
– Kế này hay lắm. Nhưng Tô Phương võ công rất cao, kiến thức rộng, thêm
Ngũ-phương kiếm nữa, tôi e rằng chúng sẽ giết lão bá để che dấu cái nhục
bị bắt, bị đánh ở Đăng-châu.
Lê Chân cười: