– Thiếu niên kia, ngươi tên là gì? Ta chưa từng thấy ai tuổi trẻ như ngươi
mà đã có bản lĩnh đến trình độ đó. Hãy đỡ chưởng nữa của ta!
Nói rồi, y nhảy vọt lên cao, phóng chưởng xéo xuống. Chiêu thức của y
quái dị vô cùng. Quý Minh vận sức đẩy xéo một chưởng. Bùng một tiếng
nữa, chàng thấy tạng phủ như muốn đảo lộn trong khi Bạch kiếm cũng bị
giật lùi hai bước.
Đào Thế Hùng giao đấu với Lam kiếm, ông quay lại quan sát trận địa con
mình, thấy Quý Minh có vẻ thắng thế, ông mới yên tâm. Ông mừng thầm vì
chỉ trong vòng một tháng, Đào Kỳ đã huấn luyện cho con ông một bản lĩnh
không thua gì ông. Ông mừng lắm, tiếp tục đấu với Lam kiếm.
Quân Hán kéo đến trùng trùng điệp điệp. Hai viên lữ trưởng đứng ngoài chỉ
huy quân bao vây nhị kiếm. Đào Thế Hùng suy nghĩ:
– Mình đánh với nhị kiếm chẳng ích gì, chi bằng mình tìm cách rút lui để
cho tụi Hán chém giết nhau cho vui.
Nghĩ vậy, ông hô lớn:
– Ngừng tay!
Đào Quý Minh cùng nhị kiếm cùng ngừng tay, lùi lại.
Bạch kiếm hỏi Trương Thanh:
– Trương Huyện-lệnh, ngươi dấu Tô công tử ở đâu? Mau thả ra, nếu không,
ngươi không yên được với ta đâu.
Đấu võ thì Trương Thanh dở, nhưng đấu khẩu, thì y vô địch. Y quát lớn:
– Chư quân nghe đây. Bọn Ngũ-phương kiếm cướp của, giết Tô công tử rồi
còn đến huyện cướp tiền của công nho nữa. Hãy bắt lấy chúng.
Quân Hán ào vào. Ngũ-phương Thần-kiếm là những kiếm khách bực nhất
Trung-nguyên. Họ chỉ sở trường về kiếm, còn về chưởng rất dở. Ngược lại,
võ công phái Cửu-chân thì sở trường về chưởng, còn về kiếm thì chỉ bình
thường thôi. Thế mà Ngũ-phương kiếm lại đi đấu chưởng với cha con Đào
Thế Hùng là lấy sở đoản của mình để đấu với sở trường của địch, làm sao
thắng nổi? Hơn nữa, võ công Cửu-chân do Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung
nghiên cứu chế ra để khắc chế với võ công Trung-nguyên. Nếu như một đệ
tử Cửu-chân đấu với một để tử phái võ Lâm-ấp thì họ phải nghiên cứu lối
đánh của đối thủ, nhiên hậu mới phản công. Còn họ đấu với người Hán thì