– Chị đã thành hôn với Nghiêm đại ca rồi. Chị biết như vậy là có lỗi với sư
phụ, sư mẫu.
Đào Kỳ cười khúc khích:
– Đã là anh hùng thì phải biết tùy hoàn cảnh. Nếu vì thời thế, sư tỷ không
tìm thấy bố mẹ. Sư tỷ sẽ ở vậy cả đời sao? Sau này gặp bố mẹ, nếu các
người có trách phạt, em sẽ nhận tội hết. Em là ông mai mà.
Chàng quay lại hỏi Nghiêm Sơn:
– Nghiêm đại ca! Theo tục lệ người Việt, đại ca phải tặng ông mai cái thủ
lợn. Vậy thủ lợn đâu?
Nghiêm Sơn cười:
– Xa nhau sáu bảy năm mà tiểu đệ tính tình vẫn như cũ. Tiểu sư đệ, ngươi
là đại ân nhân của ta. Đời ta, công danh lên đến Lĩnh Nam công, nhưng ta
vẫn không lấy làm vui. Nguồn hạnh phúc mà ta tìm được trên thế gian này
là Hoàng sư tỷ. Vì vậy, tiểu sư đệ là đại ân nhân, ta không biết lấy gì báo
đáp.
Nghiêm Sơn là người tinh tế. Chàng biết giữa vợ mình với Đào Kỳ tình thì
là sư tỷ, sư đệ, nhưng thực ra nàng săn sóc Đào Kỳ như mẹ với con. Hai
người xa cách bấy lâu, bây giờ trùng phùng, chắc có nhiều chuyện riêng
muốn nói. Chàng bèn nói với Hùng Trọng:
– Hùng hầu! Hùng hầu dẫn tôi đi quan sát trang ấp một lát đi.
Hùng Trọng líu ríu vâng lời, dẫn Nghiêm Sơn đi.
Nghiêm Sơn đi rồi, Thiều Hoa bật thành tiếng khóc:
– Ta... Ta đã bất hiếu với sư phụ. Ta là Mỵ Châu mất rồi.
Phương Dung ngắt lời:
– Sư tỷ, em muốn góp một vài câu được không?
– Được, em cứ nói.
– Em thấy chị có ý tưởng cho rằng chị lấy Nghiêm đại ca là thành Mỵ
Châu. Nghĩ như vậy là sai. Mỵ Châu là đứa con gái ngu xuẩn, chỉ biết có
tình yêu. Trọng Thủy là tên lưu manh. Còn sư tỷ, thân tuy là vợ Nghiêm đại
ca, mà lòng luôn hướng về Lĩnh-Nam. Nghiêm đại ca là người hiệp nghĩa
xuất thân. Từ khi tới Lĩnh-Nam, đã tạo cho dân Việt một đời sống thanh
nhàn. Đất Lĩnh-Nam bây giờ có thua gì Trung-nguyên đâu? Em sợ đời vua