cho anh em họ Đinh cai trị dân như chó, như trâu hay sao?
Hùng Trọng nghe Đào Kỳ dùng đại nghĩa khuyên, ông đứng dậy chắp tay
nói:
– Đa ta sư thúc chỉ dạy.
Rồi ông gọi Trần Năng nói:
– Tục lệ Văn-Lang ta là con gái lấy chồng, ba ngày sau phải trở về lễ tạ tổ
tiên, tạ cha mẹ. Vậy con với Bảo phải trở về ngay. Trang Thượng-hồng này
không cần đề phòng, vì cái tin Hùng Bảo là đệ tử của Lĩnh-nam công phu
nhân, Đinh Công Dũng không dám tấn công nữa đâu.
Ông nói với Đào Kỳ:
– Tuy vậy tôi vẫn sợ trong khi đi đường Đinh Công Dũng sẽ làm hại cháu
Năng. Phiền sư thúc với Nguyễn cô nương cùng đi, cho tôi được an tâm.
Đào Kỳ khẳng khái nói:
– Bảo đã là đệ tử của tam sư tỷ thì là người phái Cửu-chân rồi. Tôi có bổn
phận giúp Bảo.
Hùng hầu đã chuẩn bị xong lễ vật, cho gia nhân gánh theo. Đào Kỳ,
Phương Dung lên ngựa cùng đi với vợ chồng Hùng Bảo. Phương Dung với
Trần Năng ngang tuổi nhau, tính tình lại ưa đùa nghịch như nhau nên trên
đường đi, hai người luôn cười đùa.
Trần Năng nói:
– Bây giờ sư thúc với sư thẩm đi theo bọn cháu. Mai này khi đám cưới sư
thúc, chúng cháu cũng sẽ đi tháp tùng để trả nợ. Có điều, đi từ Cối-giang
đến Đào trang ở Cửu-chân thì phải mất mấy tháng.
Đi đến gần trưa mới tới khúc quẹo vào trang Toàn-liệt. Trần Năng mới xa
nhà có ba ngày, mà đã bao nhiêu biến cố xảy ra, nàng tưởng chừng như đã
mấy tháng. Con đường này nàng đã đi lại không biết bao lần, nhưng sao lần
này như có một cái gì khác lạ. Cũng cây cổ thụ ven đường, cũng hoa rừng,
cỏ thơm như cũ, mà nàng cảm thấy nó như khác với ngày thường. Nhìn
thấy cây đa lớn ở cổng trang xa xa, lòng nàng rộn lên. Chỉ lát nữa đây, nàng
sẽ gặp lại cha, gặp lại mẹ, gặp lại cổng trang, sân trang thân yêu mà nàng
đã từng sống gần hai chục năm trời.
Đang đi, thình lình có ba người từ ven đường, cầm đao bước ra ngăn lối.