với Nghiêm đại ca, thế là sự chia rẽ hai người đã thành công.
Trưng Trắc nói :
– Ta sợ khi lâm sự, Thiều Hoa lại bắt hai em giao cho Tô Định thì hỏng hết
đại cuộc.
Đào Kỳ cười hì hì :
– Hoàng sư tỷ với em tình như chị em ruột. Từ trước đến giờ, sư tỷ chăm
sóc em như mẹ đẻ. Em biết chắc, nếu cần phải chết thay cho em, người
cũng làm.
Quý Lan ngoắc tay ra hiệu chấm dứt :
– Thôi, việc cứ thế mà làm.
Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung ăn cơm xong, lấy ngựa lên đường. Buổi
chiều hôm đó, tới Luy-lâu. Luy-lâu là thủ-phủ của đất Giao-chỉ, cũng là thủ
đô của Lĩnh Nam. Người ngựa tấp nập. Quân sĩ tuần hành nghiêm mật.
Trưng Nhị dắt Đào Kỳ, Phương Dung vào một tửu lầu lớn, gọi mấy món
ăn, ngắm thiên hạ qua lại.
Trưng Nhị giảng giải :
– Chị nói cho các em nghe. Luy-lâu là thủ đô Lĩnh Nam. Phủ Lĩnh Nam
công chia ra làm ba cơ quan chính. Một là tòa Tư-đồ coi về hành chính. Hai
là Tư-không coi về lễ nghĩa, học hành, canh nông, tiền bạc. Ba là Tư-mã
coi về quân sự. Tư-đồ, Tư-không thì không đáng kể, còn Tư-mã thì do
người cầm đầu Hợp phố lục hiệp thống lĩnh. Y tên là Lưu Nhất Phương,
người Hợp-phố, thuộc Quế-lâm.
Phương Dung ngắt lời:
– Như vậy, y là người Việt? Tại sao y là người Việt lại được Nghiêm Sơn
cho giữ toàn quyền quân sự? Lỡ y phản thì sao?
Trưng Nhị gật đầu:
– Em đặt câu hỏi thực đúng. Ta cũng không hiểu sao Nghiêm Sơn là người
Hán lại trọng dụng Hợp-phố lục hiệp. Y cho mỗi người giữ một chức vụ
quan trọng. Lưu Nhất Phương võ công cao hơn Nghiêm Sơn, về tài dùng
binh thì thua Nghiêm một bậc. Y được Nghiêm phong chức Uy-viễn đại
tướng quân.
Đào Kỳ hỏi: