tin Đào Kỳ trở về, họ kéo nhau đến chào hỏi tíu tít. Lời lời truyền nhau rất
mau. Mấy cụ già đặt bữa cơm để mời Đào Kỳ, Thiều Hoa và Phương Dung.
Từ hôm gặp nhau đến giờ, Đào Kỳ chưa có dịp kể cho sư tỷ nghe về
chuyện Cổ-đại, nên Thiều Hoa không hiểu gì cả. Phương Dung vội thuật
vắn tắt cho Thiều Hoa nghe. Nghe xong, nàng ngẫm nghĩ mừng trong lòng:
– Sư phụ ta nổi tiếng là Cửu-chân song kiệt, hào hiệp nức tiếng giang hồ,
nhưng cũng không được dân chúng sùng kính bằng tiểu sư đệ ta. Như thế
này, gặp lại sư phụ, kể cho người nghe, tất người mừng lắm.
Các bô lão trong vùng thấy Đào Kỳ đi với một thiếu phụ và một thiếu nữ,
họ muốn hỏi mà không dám. Đào Kỳ giới thiệu Thiều Hoa, Phương Dung
cho các bô lão. Một bô lão nói:
– Khi tiểu anh hùng đi rồi, dân trong châu chúng tôi sung sướng vô cùng.
Trai không phải đi lao quân, dân làng không phải nộp tiền sưu dịch, cũng
không bị Huyện lệnh làm khó dễ. Chúng tôi cùng hỏi nhau: Không hiểu
bây giờ anh hùng ở đâu? Không ngờ hôm nay anh hùng lại về thăm chúng
tôi.
Trên đời Đào Kỳ đã được ăn không biết bao nhiêu đồ trân quý, nhưng hôm
nay chàng mới được ăn một bữa cơm ngon kỳ lạ thế này. Trong tâm chàng
thoáng hiện ra người anh hùng Phù-đổng ruổi ngựa đánh giặc Ân, người
anh hùng Lý Thân, Cao Nỗ, Vũ Bảo Trung đánh quân Tần. Khí hùng bốc
lên, chàng bưng ly rượu uống sạch rồi nói lớn:
– Hôm nay cháu được các vị bá bá, thúc thúc đón tiếp thế này, thực đem
lòng tri kỷ đãi nhau. Nơi đây là cố đô Âu-lạc cũ của ta, thành quách đổ nát,
cây cỏ tang thương. Người Việt chúng ta mất nước tới năm thứ 188 rồi,
chúng ta phải làm sao lấy lại đất nước này. Người Hán đến đây đô hộ, coi
chúng ta như trâu, như lợn, muốn giết là giết, muốn hiếp là hiếp. Còn trời
nào sầu bằng trời Âu-Lạc, còn đất nào đau bằng đất Văn-Lang? Nếu cháu
không lấy lại được nước thì như cái chén này.
Chàng vận công lực vào tay bóp cái chén đến bốp một cái, rồi vỗ tay cho
thành bột nhỏ, vứt xuống đất.
Dân chúng hô lớn:
– Âu-Lạc muôn năm!