– Chúng ta được người đời kêu là anh hùng, là hào kiệt, nhưng chúng ta lại
cưỡi ngựa của giặc Hán, mặc quần áo của giặc Hán và lấy chồng giặc Hán,
vậy chúng ta anh hùng ở chỗ nào?
Thiều Hoa thấy dường như người ăn mày này mỉa mai nàng với Đào Kỳ.
Nhưng từ đầu đến cuối, cái nón đã che mất mặt, thành thử nàng nhìn không
rõ người đó hình dáng ra sao? Nhưng tiếng nói dường như già rồi thì phải.
Đào Kỳ đến trước mặt lão ăn mày, nói:
– Lão bá, Âu-Lạc này tuổi còn trẻ, không hiểu đạo lý ở đời, nếu có gì sai
quấy, xin lão bá dạy dỗ.
Người ăm mày vẫn nằm im:
– Sai quấy thì không. Nhưng đáng tiếc ơi là đáng tiếc.
Phương Dung hỏi:
– Lão bá, cháu có gì đáng tiếc đâu?
Lão ăn mày nói:
– Sao lại không? Kim cương bị lẫn với sỏi đá, vàng bạc bị lẫn với đất bùn,
hoa ngọc lan đem cắm vào bãi phân trâu, như vậy không đáng tiếc sao?
Đào Kỳ thấy lời lẽ kỳ lạ, càng nhũn nhặn:
– Cháu trẻ người, lại xa phụ huynh từ nhỏ không được dạy dỗ, xin lão bá
chỉ điểm cho những chỗ thiếu sót.
Lão ăn mày cười:
– Nếu có người, cha, mẹ, cậu, chú đều là hào kiệt nức tiếng Lĩnh Nam, anh
hùng cái thế, nhưng lại ra vào cửa quyền quý người Hán, còn xưng là
huynh huynh, đệ đệ với tên đầu sỏ Hán tặc nữa, thế có phải là kim cương bị
lẫn với sỏi đá không? Còn một người nữa, cha mẹ đều là anh hùng, nhan
sắc thuộc loại tuyệt thế, võ công ít ai bằng, thông minh hơn nam tử, nhưng
lại đi cặp kè với người Hán, ăn cơm người Hán, ở nhà người Hán, thế có
phải là vàng bạc bị lẫn với đất bùn không? Còn nữa, có người con gái sắc
nước hương trời, sư phụ là đệ nhất hào kiệt đời nay, bị giặc Hán đánh cho
tan nhà nát cửa. Sư phụ, sư mẫu, sư huynh, sư đệ phiêu bạt nơi nào không
biết, đã chẳng lo tìm kiếm, xót thương, còn đi lấy kẻ thù của sư môn làm
chồng, vậy có phải hoa lan cắm vào bãi cứt trâu không?
Phương Dung biết ông lão này là hào kiệt đương thời, đã biết rõ lý lịch ba