– Thế nghĩa là thế nào?
Khất đại phu giảng:
– Từ tiền cổ đến giờ, võ lâm luyện võ, chỉ biết vận chân khí ra chân, ra tay
tấn công người, hoặc vận chân khí vào đơn điền, rồi từ đó chuyển sang
từng kinh một, thấy không có gì khó khăn cả. Sau ta thử vận chân khí vào
một kinh thì thấy chân khí mạnh như vũ bão. Ta mới tự giải thích rằng:
Chân khí của toàn người, nếu vận ra chân, tay chiến đấu thì vừa lâu, vừa
khó, lại không mạnh. Nếu ta vận vào từng kinh một, thì lại có thừa. Vừa rồi
ta vận khí từ kinh tam tiêu ra ngón giữa, ngươi đã thấy qua kết quả.
Nói rồi, không đợi Đào Kỳ có đồng ý hay không, ông chỉ lên đồ hình trên
tường với những đường kinh và kỳ kinh bát mạch. Nhờ có trí nhớ tốt, ông
nói đến đâu, Đào Kỳ thuộc đến đó. Ông nhấn mạnh:
– Nhâm mạch là nơi tổng hội các kinh âm, khí của sáu kinh âm đổ về đó
như nước các sông đổ ra biển. Đốc mạch là nơi tổng hội của các kinh
dương. Dương khí của sáu kinh dương đều luân lưu qua.
Đào Kỳ hỏi:
– Như vậy đốc mạch và nhâm mạch có thông với nhau được không?
Khất đại phu như gặp người tri kỷ, ông hứng trí quá, giảng:
– Có chứ. Nhâm, đốc mạch giao hội nhau ở huyệt Trương cường, gần hậu
môn. Đó là chỗ giao nhau bên dưới. Chúng còn giao hội nhau ở huyệt ngân
giao tại môi trên. Vận chân khí hai mạch này thông với nhau, là hòa hợp
được âm, dương.
Đào Kỳ góp ý kiến:
– Nếu hợp được như vậy, công lực sẽ tăng lên không biết đâu mà lường
được. Trong cơ thể có khí âm, khí dương. Phái Tản-viên, Cửu-chân, Hoa-lư
thiên về dương cương. Phái Long-biên thiên về âm nhu. Người luyện nội
công chỉ chuyên một thứ. Dương sinh ra không có âm để tựa. Âm sinh ra
không có dương để hòa hợp, vì vậy, tập thì nhiều, nhưng sau đó, chân khí
mất đi đến bảy tám phần. Cho nên phải luyện một thời gian lâu lắm mới có
kết quả. Nếu biết hòa hợp âm dương thì thời gian luyện công một năm sẽ
bằng mười năm.
Khất đại phu há hốc miệng ra hỏi: