– Tiểu hữu nói đúng đó. Như trong cơ thể tiểu hữu, nào là nội công Tản-
viên, nào là Long-biên, nào là Cửu-chân. Chân khí hỗn độn, chạy loạn cả
lên, cho nên bệnh mới nặng. Nếu bây giờ tiểu hữu chuyển tất cả chân khí
âm nhu về nhâm mạch, chân khí dương cương về đốc mạch, sau đó cho hòa
hợp với nhau, thì bệnh khỏi được mà công lực cũng sẽ mạnh kinh hồn.
Đào Kỳ tỉnh ngộ:
– Từ trước đến giờ, ta chỉ có thể sử dụng nội công Cửu-chân, Long-biên,
Tản-viên rời rạc, nếu bây giờ tập trung cả lại, ví như ta có 5 độ Cửu-chân,
hợp với 5 độ Long-biên thành 25 độ. Hợp thêm 5 độ Tản-viên, ta sẽ có tới
125 độ.
Đào Kỳ đứng dậy, chắp tay thưa:
– Tiểu bối xin kính cẩn nghe lão bá dạy dỗ.
Khất đại phu nói chậm rãi:
– Nào bây giờ tiểu hữu ngồi xếp chân luyện công nhưng mắt thì nhìn vào
đồ hình các kinh mạch này đi.
Đào Kỳ xếp chân lại, nhìn lên đồ hình.
Khất đại phu nói:
– Trong con người có ngũ khí phát ra từ ngũ tạng, đó là tâm, can, tỳ, phế và
thận. Khi thức làm việc, ngũ khí nảy sinh, chạy khắp cơ thể. Bây giờ tiểu
hữu nhắm mắt dưỡng thần, bỏ hết ý nghĩ ra ngoài, đó là Giải trừ tạp niệm.
Khi những ý tưởng rời cơ thể, con người như ngủ đi. Khi con người ngủ đi
như vậy, ngũ khí sẽ không luân lưu nữa, mà chạy trở về gốc của nó là ngũ
tạng. Ta tạm dùng danh từ cho cách vận khí này là Ngũ khí triều nguyên,
nghĩa là năm khí trở về gốc.
Ông nói đến đâu, Đào Kỳ làm theo tới đó. Chàng cảm thấy người khoan
khoái nhẹ nhàng, không bút nào tả siết. Tuy rằng chàng biết mình ngồi vận
công, có Khất đại phu bên cạnh, nhưng ý tưởng như quên hết đi. Một lúc
sau, chàng mở mắt ra, thở đánh phào một cái. Chân khí chạy rần rật khắp
người.
Khất đại phu giảng:
– Khi luyện công, tiểu hữu phải nhớ làm sao cho tinh, khí, thần thăng bằng.
Tinh là tinh khí là vật chất, là xác thịt. Thần là tư tưởng, là trí nhớ, là hiểu