Lê Đạo Sinh tiếp tục đọc. Tờ thứ nhất ghi Ác ngưu nan độ. Y cười :
– Đây Đào Kỳ chép chiêu Ác ngưu nan độ, các ngươi đều đã học qua. Ta
đọc lên để các ngươi biết mà đo lường sự thực hư của y.
Nói rồi y đọc lớn :
– Ác ngưu nan độ là chiêu thuần dương, nhưng gần với âm nhất, được gọi
là trong dương có âm, trong âm có dương. Chiêu thức dùng để tấn công
thẳng về phía trước, như gặp phải con trâu dữ chặn đường. Mục đích dùng
chưởng lực đánh thắng, nhưng vận kình đẩy xéo về một bên. Khi đối thủ bị
đánh tạt sang một bên, kình lực lại đánh thẳng góc vào phía ngang.
Y đọc đến đâu, mọi người lại vận khí làm theo, thấy quả đúng như đã học,
có điều Đào Kỳ chép chi tiết hơn. Lục Mạnh Tân nhìn Vũ Hỷ mặt tươi hẳn
lên.
Đạo Sinh đọc tiếp :
– Về vận khí, khi phát chưởng phải hít một luồng không khí đầy phổi,
chuyển vào Đơn điền, khí trầm tại đây. Một luồng lực đạo tự sinh, chuyển
thẳng ra hai vai, tới cùi chỏ, bật tay phóng về phía trước.
Lê Đạo Sinh gật đầu, đọc tiếp :
– Biến chiêu : Chưởng có thể phát thẳng, có thể sang phải, sang trái. Vì
chưởng thuộc loại dương, mạnh, nên khi đẩy sang phải thì bước xéo về trái.
Khi đẩy sang trái thì bước xéo về phải.
Lê Đạo Sinh gật đầu :
– Chỗ này chúng ta bị thất truyền nên không có biến hóa, còn Đào Kỳ đã
biết hết. Trước đây ta đã cảm thấy nguyên lý này, nhưng chưa đặt thành
luật lệ.
Y đọc tiếp :
– Khi chưởng trúng đối thủ rồi, lập tức tay quay một vòng, thu trở về và
phát tiếp các chiêu "Thanh ngưu ư hà, Ngưu thực ư dã, Lưỡng ngưu tranh
phong". Khi phát chiêu tâm phải ghi ý niệm, đánh vỡ núi, gẫy cây, cường
lực sẽ mạnh hơn lên.
Chu Bá gật đầu :
– Như vậy, thằng bé này chép đúng, chứ không phải nó chép sai đâu. Xin
nhạc phụ đọc tiếp các chiêu khác xem.