Đào Kỳ cười nhạt :
– Tôi là đệ tử Đào hầu, chưởng môn Cửu chân. Còn Khất đại phu hiện ở
đâu, tôi không biết. Tiên sinh là sư đệ của người, tiên sinh phải biết chứ ?
Lê Đạo Sinh thở dài :
– Nếu vậy, lão phu xin thỉnh giáo ngươi mấy chiêu.
Đào hầu, Đào phu nhân, Đinh Đại tự nhiên thấy một thiếu niên đệ tử xuất
hiện kiếm pháp tuyệt vời. rồi thấy chỉ một chỉ quái dị đã đánh bại đệ tử của
Lê Đạo Sinh là Đức Hiệp bay ra xa, cùng ngơ ngác nhìn nhau, không ai
hiểu gì cả. Họ thấy chàng sắp đấu với Lê Đạo Sinh, đều lo cho chàng, vì Lê
là đệ nhất cao nhân đương thời.
Lê Đạo Sinh phóng một chưởng cực kỳ hùng hậu, chưởng chưa phát hết,
nhưng áp lực đã làm mọi người nghẹt thở. Đào Kỳ nhận ra đó là chiêu
Ngưu nhập thanh điền trong Phục ngưu thần chưởng. Chiêu thức này trông
rõ ràng thuộc dương, nhưng thực ra lại có vẻ nhu, tức Dương trung hữu
Âm. Chàng vội xuất chiêu Thiết kình hồi đầu của Cửu chân chống lại. Hai
chưởng đụng nhau bật thành tiếng lớn. Đạo Sinh bị đẩy lui lại một bước,
người y vọt lên cao, hai tay chụm lại đánh vào đầu Đào Kỳ như con chim
ưng vồ mồi. Đào Kỳ ung dung xỉa cánh tay bật thành chỉ pháp. Chỉ rít lên
rất lớn, đánh vào giữa lòng bàn tay Đạo Sinh. Đạo Sinh vận đủ mười thành
công lực chịu đòn. Chỉ lực đẩy y bật lên cao. Trên cao y lộn một vòng,
phóng cước đá chàng. Đào Kỳ dẫn khí về Đốc-mạch, chuyển xuống Túc
dương minh Vị kinh, rồi chàng cùng nhảy lên cao, đưa cước đỡ cước y. Hai
cước chạm nhau. Hai người cùng bật ra xa, rồi rơi xuống đất.
Bấy giờ Lê Đạo Sinh mới thấy nội lực Đào Kỳ vừa cương, vừa nhu, chứ
không phải nội lực dương cương của Tản viên, do đó không phải là đệ tử
của sư huynh. Y nghĩ :
– Khắp đất Lĩnh-Nam làm gì có người biết nội công cương nhu thế này ?
Đầu óc y chợt lóe lên một tia sáng :
– À, phái Quế lâm có thứ nội công cương nhu. Người mạnh nhất là Nghiêm
Sơn cũng không bằng được thiếu niên này. Thế y là ai ?
Nghĩ rồi y vận sức ra chiêu Ngưu tẩu như phi. Chiêu này kình lực rất dũng
mãnh, vừa mau, vừa mạnh, như thác đổ, như sét đánh.