Võ quan người Hán bị tôi bắt, không lấy làm tủi nhục, mà còn cho rằng tôi
bắt được y bằng phương pháp nào, cũng đều là thắng cả, y chịu thua. Tôi
thấy y là người hào kiệt nên đã thả y ra. Tôi những tưởng y sẽ mang quân
đến làm cỏ trang Mai-động. Không ngờ, ít hôm sau, y mang trâu đến thế
mạng, còn ngồi uống rượu với tôi. Tôi thấy người Hán này thực hào sảng
tín nghĩa nên kết bạn với y. Y thú thực cùng vị tiểu cô nương xinh đẹp yêu
thương nhau. Tôi mạn phép trộm lệnh Đào hầu đứng ra làm lễ thành hôn
cho vị cô nương với y. Vị cô nương đó là đệ tử thứ ba của Đào hầu. Hôm
đại hội Hồ Tây, tuy cô nương Tường-Loan có cho biết ý kiến của Đào hầu,
nhưng tôi cũng phải tới đây, tạ lỗi với người và phu nhân.
Đào phu nhân đứng lên nói :
– Đã là hào kiệt thì Hán cũng thế mà Việt cũng vậy. Tiểu-đồ Thiều-Hoa
được đệ tứ Thái-bảo Sài-sơn đứng ra chủ trương cho, thì còn gì hơn nữa ?
Vả lại, từ ngày Nghiêm Sơn sang đây tới giờ, tuy thân cầm đại quân trong
tay, nhưng lòng hào sảng, hiệp nghĩa có khác gì Lục tiên sinh đâu ? Vợ
chồng chúng tôi rất tự hào có người rể như vậy.
Qua những lời nói của Đào phu nhân, Nghiêm Sơn nhận thấy chàng có
trách nhiệm lớn lao. Phải làm sao xứng đáng với lòng tốt của Nguyễn Tam-
Trinh và sự tín nhiệm của Đào Thế Kiệt.
Phương Dung nháy Đào Kỳ, rồi nói với Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca, dường như bên Trung-nguyên, khi kết hôn người ta phải
trải qua Lục lễ hay Ngũ lễ, phải không ?
Nghiêm Sơn gật đầu :
– Đúng đấy. Trước kia là Lục lễ, sau này chỉ còn Ngũ lễ thôi.
Trưng Nhị hướng vào Lục Mạnh Tân:
– Bên Trung-nguyên, hôn lễ cho kẻ sĩ phải đủ Ngũ lễ, thiếu một lễ cũng
không được. Tôi ít đọc sách, không rõ Ngũ lễ là những lễ gì ? Thỉnh Lục
tiên sinh dạy cho.
Lục Mạnh-Tân hướng vào Trưng Nhị :
– Theo sách Lễ-ký chương Sĩ hôn lễ, năm lễ đó là : Nạp thái, Vấn danh,
Nạp cát, Thính kỳ và Nghinh thân. Nạp thái là lễ đầu tiên nhà trai mang con
nhạn đến nhà gái, tỏ ý cầu hôn. Sau đó đến Vấn danh : Nhà trai đem lễ đến