Nghiêm Sơn cười :
– Lý thì như thế. Nhưng ta là bạn Quang-vũ, ta không muốn hoàng đế vì ta
mà gặp nỗi khổ tâm. Ta giết Tô Định, Thái-hậu hận ta, bắt Quang-vũ hại ta.
Điều này chắc Quang-vũ không chịu. Từ đó sẽ sinh ra mẫu tử bất hòa. Còn
nếu y hại ta, sẽ mất nghĩa khí bằng hữu, bị thiên hạ chê là sát hại công thần,
sau này còn ai vì nhà Hán mà ra sức nữa ?
Mọi người nghe Nghiêm Sơn luận bàn với Phương-Dung, họ tìm thấy ở
Phương-Dung một kiến thức còn sâu rộng muốn hơn Nghiêm Sơn. Nhân
một lúc nghỉ trưa, Phương-Dung cùng Đào Kỳ dẫn nhau ra bên một giòng
suối tâm tình. Phương-Dung hỏi Đào Kỳ về bức thư của thân phụ. Đào Kỳ
lấy đưa cho Phương-Dung coi. Phương Dung đứng ngay ngắn, sửa lại y
phục rồi mở ra đọc. Nàng bùi ngùi cảm động :
– Đào hầu là đấng anh hùng thời đại, dạy con như thế, hèn gì các con
không thành hào kiệt.
Nàng nhắc Đào Kỳ :
– Trên thuyền chúng ta bàn kế hoạch phục quốc, ai ngờ hợp với bố và cậu.
Bây giờ, vùng Cửu-chân, Nhật-Nam đã thuộc về nhà họ Đào, họ Đinh mình
rồi. Đất Giao-chỉ, mình được thêm Lục-hải. Nếu cộng với Đăng-châu của
thúc phụ, cối giang của cha em và ba vùng của sư thúc Đông Bảng, Thủy
Hải, Đằng Giang, thêm trang Văn-lạc của chúng ta, châu Lôi-sơn của Đinh
Hồng-Thanh, 72 động Tây-vu của Hồ Đề và gần 200 động khác của Nhị
Trưng, thì hiện thời Tô Định không còn gì nữa. Chuyến đi Trung-nguyên,
chúng ta làm sao tỏ ra thần phục cho Hán đế yên tâm, rút quân về. Bấy giờ,
ta chỉ phất ngọn cờ là lập lại Lĩnh-Nam.
Đào Kỳ gật đầu :
– Trường hợp Kiến-vũ hoàng đế rút quân về, tức nhiên Nghiêm đại ca phải
về Trung-nguyên. Quyền hành vào tay Tô Định thì nguy.
Phương-Dung cười :
– Quyền gì ? Khi quân trong tay chúng ta, nghĩa là bấy giờ tuy không còn
Nghiêm đại ca giúp chúng ta, Nhưng Tô Định cũng không dùng quân Hán
đánh ta được.
Hai người đi dần về phía Nghiêm Sơn. Viên Ngũ-trưởng hướng đạo đến