Phương-Dung, Đào Kỳ cũng kể sơ lược vụ Tô Phương với đầy đủ chi tiết.
Nghiêm nghe nhưng không hề ngờ rằng vụ này do Đào Kỳ, Phương-Dung,
Lê Chân và Phùng Vĩnh-Hoa đạo diễn. Vương cũng tin hai người như Tô
Định.
Đào Kỳ kết luận :
– Vậy với mối lo Lê Đạo-Sinh, coi như đã giải quyết vì giữa y và Tô Định
có mối thù bất cộng đái thiên. Ngày mai, sau khi đại hội, đại ca định để Tô
Định thanh toán Lê Đạo-Sinh và tay chân hay đại ca sẽ tự ra tay ?
Nghiêm Sơn suy nghĩ :
– Ta để cho Tô Định ra tay thì hơn. Lê là người xu phụ Tô, nay ta để Tô
giết Lê cho đáng đời bọn xảo quyệt !
Đến ngày hẹn, anh hùng Lĩnh-Nam tề tựu đông đủ trên con thuyền lớn của
trang Mai-động. Buổi hội này Đào Kỳ nhân danh Chinh-viễn đại tướng
quân chỉ huy đạo Lĩnh-Nam tổ chức, nên phủ Tế-tác Giao-chỉ, ngay cả Tô
Định cũng không dám tò mò. Thật là buổi họp kỳ lạ nhất : Anh-hùng Lĩnh-
Nam bàn chuyện phản Hán phục Việt trên con thuyền lớn, mà hai bên bờ
sông, kỵ binh người Hán của Chinh-viễn đại tướng quân rong ruỗi... canh
phòng !
Khi thấy trên thuyền đủ mặt, thuyền ra giữa sông Phùng Vĩnh-Hoa đứng
dậy nói :
– Buổi họp hôm nay chúng ta phải đề cử lấy người chủ tọa, không biết quý
vị sẽ đề cử ai ?
Nam-hải nữ hiệp Trần-thị Phương-Châu nói :
– Nếu bàn về võ công tất không ai hơn Khất đại phu. Khất đại phu là một
tiên ông. Chí của người là trị bịnh cho dân chúng, tiêu dao sơn thủy. Vậy
chúng ta không nên ép người vào chuyện phục quốc. Phục quốc không nhất
thiết dùng người có võ công cao. Mà cần người có tấm lòng sắt son, thiên
hạ đều biết.
Nguyễn Trát cũng phụ họa :
– Đúng vậy ! Khi bàn về phục quốc, dân chúng thường truyền tụng Bắc Nhị
Trưng, Nam Đinh Đào. Vậy cần mời Đào hầu, Đinh hầu hoặc Nhị Trưng
đứng ra chủ trì thì việc mới thành. Đinh hầu hiện vắng mặt, hiện diện tại