lâm dẫn người Hán đánh người Hán. Quân Hán đánh với đạo quân Thục,
dù thắng, dù bại đạo quân này cũng hao tổn quá nửa, sau này không đủ sức
trở về thống trị đất này nữa. Hơn nữa chúng ta góp mặt viễn chinh để tỏ
cho Hán đế biết : Lĩnh-Nam đầy rẫy anh hùng, liệt nữ, nhưng lại sẵn sàng
tuân phục Hán triều. Nếu Hán để yên chúng ta yên, ta sẽ là bạn tốt. Nhược
bằng họ muốn đánh chúng ta, thì sẽ gặp cái vạ hao tinh, tổn tướng như Tần
Thủy-hoàng. Tóm lại việc đi viễn chinh ở Trung-nguyên đem lại hai lợi ích
: Một đem quân Hán rời khỏi Lĩnh-Nam. Hai là cho người Hán biết tài thao
lược của anh hùng Lĩnh-Nam. Chúng ta đâu có đi đánh dùm để được tiền,
được bạc mà gọi là đánh thuê, đánh mướn?
Phương-Dung tiếp lời Vĩnh Hoa :
– Chủ trương này phù hợp với đạo dùng binh. Binh pháp Tôn Tử nói : "
Bảo tồn quân đội là nhất, làm tan đội quân là điều cấm kỵ ". Lật ngược đi,
ta làm cho đội quân Hán ở Lĩnh-Nam phải rời khỏi Lĩnh-Nam, rồi bị thiệt
hại nặng. Dù thắng, dù bại ở đất Ích châu. Trên đất Lĩnh-Nam ta chỉ còn
các quân đội địa phương người Việt, do chính các Huyện-lệnh, Huyện-úy
của ta chỉ huy, thì còn lo sợ gì nữa ?
Tất cả hào kiệt ngồi đó đều tỉnh ngộ, họ thầm nghĩ : Kiến thức mình còn
thua xa ba cô gái trẻ này. Có lẽ sau này khi khởi binh khôi phục đất Lĩnh-
nam, phải để Trưng Trắc làm thủ lĩnh, Trưng Nhị làm Nguyên-soái,
Phương-Dung, Vĩnh-Hoa làm Quân-sư mới phải.
Đào Kỳ cũng nhận thấy kiến thức mình còn thua vợ rất nhiều. Chàng là
người quân tử nên thích thú nhiều hơn ghen tỵ.
Tan họp Đào Kỳ, Phương-Dung vừa về tới phủ Lĩnh-Nam đã thấy Quế Hoa
ra đón :
– Đại ca vừa về kịp, Nghiêm đại ca đang mong đại ca lắm đấy.
Bước vào trướng, Đào Kỳ thấy bộ tham mưu của Nghiêm Sơn người nào
mặt cũng nghiêm trọng. Nghiêm Sơn nắm tay Đào Kỳ :
– Có việc quan trọng phải nhờ tiểu sư đệ mới được.
Quỳnh-Hoa ngắt lời :
– Nghiêm đại ca cho em góp một lời được không ?
– Được, sư muội cứ nói.