chính vương là người Quế-lâm bảo sao dân chúng không vui mừng hoan hô
dậy đất ?
Nghiêm Sơn dùng phủ Thái-thú làm đại bản doanh. Bộ chỉ huy của Đại-tư
mã Đặng Vũ và Xa-kỵ tướng quân Ngô Hán đã tề tựu đông đủ. Vương hẹn
ba hôm nữa sẽ họp tướng lãnh toàn quân, bàn định kế sách. Chiều hôm ấy
cơm nước xong, Hoàng Thiều-Hoa hỏi chồng :
– Bây giờ đại ca dẫn em về thăm nhà đi chứ ? Em mang tiếng là đồ đệ Đào
hầu, lễ nghĩa có thừa, vậy mà lấy chồng đã sáu, bảy năm cũng chưa biết gia
đình nhà chồng ra sao, nghĩ thực xấu hổ !
Nghiêm Sơn nắm tay nàng cảm động :
– Đó là lỗi tại anh. Vì bận rộn, nên chưa đưa em về thăm nhà. Họ hàng nhà
anh rất đông, lại thêm người trong môn phái. Bây giờ chắc họ tụ hội ở trang
ấp, chờ chào mừng chúng mình.
Đoạn vương cho mời hai vị sư thúc Triệu Anh-Vũ và Lương Hồng-Châu,
rồi tất cả lên ngựa về thăm nhà. Trang ấp của thân phụ Nghiêm Sơn tên
Nhạn-sơn, nằm ở phía Nam thành Phiên-ngung. Phụ thân vương vốn là một
đại tướng quân ở Trường-sa thời Tây-Hán. Ông về Quế-lâm dưỡng lão, ông
giàu có, gia sản súc tích, tráng đinh, đệ tử trong ấp hàng trăm người. Khi từ
trần ông để lại cho vương. Cách đây 8 năm, khi Nghiêm Sơn được phong
Lĩnh-nam công. Thái-thú Quế-âm đã tuyển thợ khéo cất phủ đệ cho vương.
Nhưng chưa bao giờ chàng về Nhạn-sơn mà chỉ ở Long-biên và Luy-lâu
thuộc Giao-chỉ. Kịp khi được gia phong tước phong tước vương, Thái-thú
Hà Thiên lại xuất công quỹ tu sửa, dinh thự trở thành một vương phủ tráng
lệ. Thái-thú lại cắt cử quân lính, mã phu, thị nữ phục dịch. Khi mọi việc
vừa hoàn tất thì kịp Nghiêm Sơn dẫn binh phạt Thục về qua.
Hôm nay vương cùng vương phi và hai sư thúc một Hán, một Việt cùng là
hai đại tướng quân và sư huynh là Thái-thú sở tại trở về nhà. Nên dân địa
phương náo nức chờ đón ông Vua nhà mình, quang cảnh thực là náo nhiệt.
Dân chúng trong trang ấp vừa sung sướng, vừa hãnh diện. Họ hãnh diện vì
là con dân thang mộc ấp, họ sung sướng vì theo luật thời bấy giờ, họ được
miễn mọi thứ thuế má binh dịch.
Nghiêm Sơn có lòng nhân từ, vương không muốn phiền hà dân chúng đón