nhưng đâu có gặp. Vì vậy các tín đồ phải cắt phiên nhau ra ga đón ông linh
mục, ngăn cản không cho về.
Sau đó họ chia nhau ra mỗi gia đình “chứa chấp” cha Irakly vài ngày. Thế
mà cũng trốn được tới 8 năm. Nhưng theo lời ông giáo sĩ này thì khoảng
thời gian trốn chui chốn lủi đó quả thực là một sự hành hạ chịu không nổi
nên năm 1942 bị mật vụ săn bắt được ông đã vui mừng quỳ xuống đọc kinh
Tạ ơn Chúa kia mà.
Trong chương đầu ANH BỊ BẮT, chúng tôi chỉ đề cập tới những vụ bị bắt
tập thể… Rồi đây cũng sẽ đến lượt những người có hoạt động chính trị đích
thực. Như trường hợp của Vera Rybakova, một nữ sinh viên có chân trong
Đảng Dân chủ Xã hội. Cô bé này hồi còn tự do chỉ cầu mong, ước gì được
dịp nằm khám Syzdal để gặp các đồng chí cũ. Họ bị tống hết cả vô đấy rồi
mà. Chừng “cầu được ước thấy”, bị tống vô Syzdal thật sự cô nàng Vera
mới thấu hiểu được ý nghĩa và thế nào là tự do!
Còn cô Yekaterina Olitskaya, đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng năm 1924
cứ có mặc cảm tự cho mình không xứng đáng để bị bắt! Xứ sở này những
người khác đều có một thời kỳ ở tù hết… mà riêng cô đã làm được gì cho
tổ quốc? Cứ đi tìm mãi tự do không gặp, chừng vào tù mới hiểu ý nghĩa của
tự do, tuy nhiên vẫn cứ lấy làm sung sướng, kiêu hãnh như thường.
Những người vừa đau khổ ở tù ra thường bị những kẻ chưa hề nếm mùi tù
ngục chất vấn một câu ác ôn: “Phải chống cự lại chứ! Sao mấy người lúc
đó không chống lại kìa?”.
Đúng vậy. Lẽ ra phải chống cự, phải chống ngay từ khi bị bắt! Nhưng thực
tế có ai chống cự lại đâu!
*
Không chống cự có nghĩa là ngoan ngoãn để cho họ lôi đầu đi. Trong
những vụ bắt ngày thế nào chẳng có một lúc nào đó nạn nhân bị dẫn đi
công khai như đã ước định ngầm với những người đi bắt hay bị điệu đi khơi
khơi giữa đám người chẳng biết gì mà mật vụ áp giải chẳng cần rút súng ra
khỏi vỏ! Nạn nhân có bị trói ké, bị nhét giẻ vào mồm đâu! Nạn nhân dư sức
kêu lớn lên, đáng lẽ còn phải la ầm lên cho mọi người chung quanh hay biết