QUẦN ĐẢO NGỤC TÙ - Trang 67

Chỉ tổ bị kẹt lâu thêm! Ngược lại cứ ráng cầm cự quá lâu mới nạp cũng tai
hại: chỉ có khiêng thùng phân cũng khốn nạn cuộc đời mà còn có thể bị
giộng một bản án – bản án thiệt sự về tội ngoan cố!
Như trường hợp một gã làm mỏ vàng Tatar. Bị GPU câu lưu và tra tấn thế
nào hắn cũng nhất mực không có. Vợ hắn cũng bị nắm đầu vô điều tra thật
mạnh tay nhưng hắn vẫn lắc đầu. Đến lượt con gái hắn cũng bị giam thì
ông thợ mỏ lì lợm đến mấy cũng hết chịu nổi, đành phải mửa ra đủ một
trăm ngàn đồng rúp vàng! Vợ con được về, sau khi nạp vàng nhưng chính
đương sự thì đi tù luôn. Rõ ràng những chuyện cướp bóc, cưỡng đoạt tưởng
đâu chỉ có ở tiểu thuyết hay sân khấu thì biểu diễn ngay ban ngày ban mặt
ở ngoài đời trên khắp nước.
Sắp bước qua thập niên 1930, chế độ đi lại trong nước phải có giấy chu lưu
đã cung cấp nhiều đợt tù đáng kể. Nếu Phê-rô đệ nhất đã tối giản dị hoá cơ
sở xã hội Nga cổ bằng cách quét sạch mọi địa phương nho nhỏ để gom về
một mối thì chế độ di chuyển bắt buộc phải có giấy chu lưu đã làm chết
đứng bọn sâu bọ. Nó đập nặng thành phần không nhà không cửa, khôn
ngoan nhưng nay đó mai đây chẳng có gì là sở định. Khi mới ban hành luật
giấy chu lưu, nhiều người còn lơ là cho đến khi ở không khai báo, đi không
xin phép là tức khắc bị lùa vô quần đảo. Giá cải tạo thông thường là một
năm thôi!
Thế là sóng tù lớp lớp từng đợt ngầu bọt. Lớp sóng cao nhất, vĩ đại nhất
trong 2 năm 1929-1930 là đợt triều tên kulak. Bọn này đã quá đông mà đám
tù vàng làm sao tống vô những trại câu lưu điều tra cho nổi? Mà cần gì điều
tra? Thảy đại lên toa xe tù, gặp khám dọc đường là nằm lại ít lâu rồi nhập
vô một hòn nào đó trong quần đảo ngục tù. Nếu kể về số lượng thì đợt sóng
kulak phải kể như một đại dương tù. Chẳng có siêu cường nào có nổi một
đại khám đường chứa đủ ngần ấy bần cố nông, kể luôn từ ngày Nga lập
quốc. Đó là cả một cuộc “di dân, định cư” bó buộc, một thảm hoạ cho cả
một thành phần lớn. Nhưng từ GPU đến quần đảo là cả một hệ thống sắp
đặt cực kỳ tuyệt vời nên đám thị dân không sao biết nổi, nếu chính họ
không bị đói dài đúng 3 năm. Một nạn đói kỳ lạ quá vì đâu có thiên tai, hạn
hán, lụt lội hoặc chiến tranh?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.