Alexandre Soljenitsyne
Quần đảo ngục tù
Phần 1
Kỹ nghệ ngục tù
Thế là xong. Xong hết. Anh bị bắt! Còn biết làm gì hơn, đâu thể làm gì hơn
là rên rỉ: “Tôi mà bị bắt? Sao vậy?”.
Bản chất của sự bắt người là vậy mà! Một cú sấm sét nháng lên thình lình,
một cú động trời đẩy bật hiện tại vào quá khứ, để cái mình không ngờ có
thể xảy ra đột biến thành thực tế phũ phàng trước mắt.
Bị bắt là vậy. Trọn một giờ đầu ngày đầu thì đầu óc người bị bắt chỉ quanh
quẩn có mỗi câu hỏi ngớ ngẩn trên để may ra giữa cơn tuyệt vọng chợt le
lói một tia hy vọng hão huyền: “Có thể mình bị bắt lầm. Thế nào họ chẳng
xét lại… họ cho mình ra”.
Sau đó tất nhiên cuốn phim bị bắt sẽ được quay lại, những hình ảnh sẽ hiện
ra, hình thành không phải ở trong đầu óc ngỡ ngàng mất hướng của anh mà
là những người ở nhà, thân nhân gia đình hay bà con hàng xóm.
Thoạt đầu tiếng đập cửa rầm rầm nửa khuya hay một hồi chuông gắt gỏng.
Những đôi bốt không thèm chùi của những ông Mật vụ không bao giờ ngủ
đêm sẽ xông ào ào vô. Theo sau thế nào chẳng có ông phường, ông khóm
rụt rằng đi vô để gọi là có đại diện hành chánh địa phương làm nhân chứng
cho đúng luật.
Có hồi mật vụ muốn bắt người cũng phải có sự chứng kiến của giới chức
địa phương. Hồi đó luật lệ còn cho phép và còn khuyến khích nhân dân hỏi
lại các viên chức đi bắt người.
Tuy nhiên mấy ông khóm, ông phường cũng chẳng lạ gì vai trò bù nhìn của
mình và sự bất chấp của Mật vụ. Họ đành phải đi theo cho có lệ để ngồi ru
rú một chỗ ngó và sáng mai ký tên vào biên bản. Vả lại đêm nào cũng bị
dựng dậy đi coi bắt người thì chẳng hứng thú gì… mà lâu lâu còn phải
hướng dẫn đi bắt chính những bà con quen biết của mình!”.
Thế rồi thế nào chẳng có những bàn tay run rẩy, hối hả trao cho người bị
bắt: nào gói đồ, thay quần áo lót… này cục xà bông, này mấy miếng thức
ăn. Cuống quít đụng cái gì đưa cái nấy vì có ai biết thằng ở tù cần những