rửa bát tự động. Như vậy, chúng ta chỉ cần phải sử dụng đến 1/3 số lao
công dọn dẹp giường bệnh, cửa sổ, sàn nhà so với những năm 1930. Nhưng
việc giảm được nguồn lực lao động thiếu kỹ năng hay những công nhân
nửa lành nghề được bù đắp nhiều hơn bởi sự gia tăng của lực lượng lao
động lành nghề - kết quả của sự gia tăng mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư. Điều
tương tự cũng xảy ra tại các trường đại học. Thực tế, những tổ chức này -
cách đây khoảng 50 năm chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, chứ không phải là
nguồn vốn đầu tư lớn - thì ngày nay đã trở thành những tổ chức đòi hỏi cả
hai yếu tố này. Chính những điều này đã lý giải nguyên nhân vì sao chi phí
dành cho việc chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục lại tăng một cách đột
biến như vậy. Nhưng cho đến mãi gần đây, các nhà quản lý các bệnh viện
cũng như các trường đại học mới nhận thức được vấn đề này. Trước đó, họ
đều tin rằng việc đầu tư vốn sẽ giúp tinh giản được nguồn nhân lực, hay nói
cách khác, họ sẽ đánh đổi “nguồn nhân lực” để lấy nguồn “vốn đầu tư”.
Nhưng điều này đã không phát huy hiệu quả như họ mong đợi.
Thậm chí ngay cả trong các doanh nghiệp sản xuất, việc đổi vốn lấy
nhân lực cũng không phát huy hiệu quả. Một ví dụ điển hình cho vấn đề
này chính là ngành công nghiệp sản xuất giấy. Năm 1929, một đô-la tiền
vốn đầu tư vào việc sản xuất giấy sẽ tạo ra khoảng 3 đô-la giá trị giấy mỗi
năm. Nguồn vốn đầu tư quay vòng hiệu quả ba lần mỗi năm. Đến năm
1980, hiệu quả vốn đầu tư trong ngành công nghiệp giấy giảm sút trầm
trọng, 3 đô-la tiền vốn đầu tư chỉ tạo ra đựợc 1 đô-la giá trị giấy một năm -
chỉ bằng 1/9 so với hiệu quả của vốn đầu tư trong ngành cách đó 50 năm.
Nhưng nguồn lao động trong các nhà máy giấy, nơi sản xuất được 1 tấn
giấy mỗi năm, vẫn bằng 2/5 so với cách đây 50 năm. Nói cách khác, kể cả
có sự tăng đột biến trong hiệu quả công việc của nguồn nhân lực trong
ngành công nghiệp giấy - kết quả của việc máy móc hóa, thì nó cũng không
thể làm giảm đáng kể nguồn vốn đầu tư được. Điều đó có nghĩa là việc trao
đổi không hề có hiệu quả.