khát vọng và thời cơ chính trị của gia đình Medici. Các nhà đạo đức học,
đặc biệt ở Anh và Pháp, công kích tác phẩm như là sự tổng kết của chủ
nghĩa hoài nghi, chỉ phù hợp với những bạo chúa tội lỗi.
Gần bốn trăm tác phẩm tham khảo thời Elizabeth về Machiavelli đã
đưa tên của Machiavelli vào ngôn ngữ tiếng Anh để chỉ sự gian trá, quỷ
quyệt và phản trắc cũng như những kẻ như thế. Giới tăng lữ đã coi Quân
vương là tác phẩm của quỷ dữ và tác giả của nó là kẻ dị giáo. Tên của
Machiavelli gắn liền với thuật ngữ thường dùng để chỉ quỷ dữ và cuốn sách
bị tấn công từ mọi phía. Năm 1559, Giáo hội Cơ Đốc giáo đưa Quân
vương vào Danh sách các cuốn sách cấm. Còn đối với những nhà cải cách
Tin lành thì tác phẩm này tiêu biểu cho tất cả những gì vẫn bị nền văn hóa
kiểu Italia của châu Âu thời Phục hưng đỉnh cao khinh miệt.
Trong thời kỳ Khai sáng, hoàng đế Frederick II của nước Phổ đã ủng
hộ Voltaire công kích kịch liệt những tư tưởng vượt khỏi các chuẩn mực
thông thường của Machiavelli, nhưng các nhà tư tưởng khác như Hume,
Rousseau, Montesquieu đã ca ngợi người con xứ Florence này như nhà tư
tưởng hiện đại đầu tiên trình bày về bản chất của chính thể chính trị. Thậm
chí sau đó, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất Italia vào thế kỷ XIX (còn
được gọi là thời kỳ Risorgimento), người dân Italia đã coi chương cuối của
cuốn Quân vương như sự báo hiệu về một tổ quốc mới.
Ngay trong thời đại này, cuốn sách cũng gợi ra nhiều cách hiểu khác
nhau. Quân vương được coi như một tác phẩm đầu tiên phân tích về sự lãnh
đạo của các lãnh tụ chính trị cũng như xác lập tính độc lập của chính trị với
thần học.
Hiểu biết về lịch sử trường phái Machiavelli và bối cảnh lịch sử ra
đời cuốn Quân vương góp phần giúp chúng ta tránh được việc hiểu sai lệch
về tác phẩm này. Đến nay vẫn chưa có một trí tuệ uyên thâm về lịch sử nào
có thể giải thích được các vấn đề tư tưởng Machiavelli đã đề cập, đặc biệt
là ở chân dung một vị quân vương nổi tiếng của ông. Lấy ví dụ,
Machiavelli đã chọn Cesare Borgia làm hình mẫu cho vị quân vương. Điều
này vào cuối thế kỷ XVI là không thể chấp nhận được khi cuốn Lịch sử
Italia của Francesco Guicciardini được đón nhận ở Châu Âu đã lan truyền