Niccolò Machiavelli
Quân Vương (2)
Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 13
QUÂN ĐỘI QUỐC GIA, NGOẠI BINH VÀ QUÂN HỖN HỢP
Ngoại binh, một loại quân vô dụng khác, là những kẻ mà ngài cầu viện một
người có quyền lực sai tới để hỗ trợ và bảo vệ ngài, như Giáo hoàng Julius
đã làm sau khi chứng kiến cuộc chiến đáng thất vọng của đội quân đánh
thuê tại Ferrara. Giáo hoàng đã quay sang cầu viện ngoại binh và thỏa
thuận với vua Ferdinand của Tây Ban Nha để điều quân hỗ trợ Giáo hoàng.
Bản thân những tên lính này có thể là một đội quân tốt nhưng đối với người
phải nhờ cậy thì chúng luôn chẳng đem lại gì tốt lành. Nếu chúng thua trận
thì chỉ ngài bị đánh bại, nhưng nếu chúng thắng trận, thì ngài lại trở thành
tù nhân của chúng.
Mặc dù trong lịch sử có rất nhiều ví dụ như vậy, nhưng tôi muốn đi
sâu vào trường hợp gần đây của Giáo hoàng Julius II – người có những
chính sách vô cùng sai lầm. Để chiếm được xứ Ferrara, ông đã phó mặc
cho ngoại bang. Vận may đã giúp ông tránh được hậu quả của quyết định
sai lầm này vì sau khi ngoại binh tới Ravenna, người Thụy Sỹ đã vùng dậy
và đánh đuổi những kẻ thắng trận trước sự kinh ngạc của Giáo hoàng và
những người khác. Bởi vậy, ông không bị kẻ thù bắt, do chúng đã bỏ chạy,
hay bị ngoại binh cầm tù. Như thế, ông đã chiến thắng nhờ người khác chứ
không nhờ vào ngoại binh. Và người Florence, hoàn toàn không có quân
đội, đã thuê mười nghìn quân Pháp để chiếm Pisa. Làm như thế, họ đã đem
họa vào thân. Để chống lại các nước láng giềng, hoàng đế của
Constantinople61 [61 Hoàng đế của Constantinople: Hoàng đế
Cantacuzenus (1292-1383), người thống trị đế chế Byzantine và đồng thời
nắm giữ ngôi vị Giáo hoàng với tước danh John VI], đã mang mười ngàn
quân Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy lạp, nhưng khi chiến tranh kết thúc, đạo quân này
lại không muốn trở về, và từ đó bắt đầu thời kỳ lệ thuộc của Hy Lạp vào
những kẻ ngoại đạo.