Thế thì điều này có liên quan gì đến quảng cáo? Đôi khi, nghiên cứu
những thái cực của một hiện tượng sẽ cho chúng ta những hiểu biết thấu đáo
về những hình thái nhẹ nhàng hơn của hiện tượng đó, những hình thái mà
thông thường chúng ta khó thấy bằng trực giác. Những mẩu quảng cáo với
hình thức phim ngắn thường gây tác động bằng cách nhẹ nhàng đưa chúng ta
vào câu chuyện, thay vì trực tiếp nói chuyện với khán giả đang ngồi trước
TV hay màn hình vi tính.
Nếu như có nhiều công nghệ giúp gia tăng cảm giác đắm chìm và tham gia
của người xem vào phim ảnh hay trò chơi (chẳng hạn công nghệ 3D,
Cinerama và thực tế ảo), thì tương tự như thế, về mặt ý tưởng sáng tạo cũng
như cấu trúc quảng cáo, cũng có nhiều cách để một mẩu quảng cáo gia tăng
mức độ tham gia và thu hút của người xem – nhờ đó gia tăng mức độ hiệu
quả.
Quảng cáo dưới hình thức phim ngắn
Quảng cáo hình thức phim ngắn là những mẩu quảng cáo kể một câu
chuyện hay một tình huống nào đó. Quảng cáo dưới hình thức này thường
dẫn dụ người xem tạm rời bỏ thực tại của mình để bước vào thế giới tưởng
tượng của mẩu quảng cáo.
Lấy ví dụ một mẩu quảng cáo bắt đầu với cảnh một người đàn ông chạy
thể dục buổi sáng bên một hồ nước mờ sương. Một chiếc xe hơi hấp dẫn đậu
bên hồ thu hút sự chú ý của người đàn ông khiến anh này không thể không
để ý. Anh này đưa tay chạm vào chiếc xe và nó ngã ngay ra đất vì thực sự nó
chỉ là một chiếc bìa cứng in hình xe hơi. Ngay lúc đó, một quái vật tựa quái
vật hồ Loch Ness bất thình lình xuất hiện từ dưới hồ, tóm gọn người đàn ông
và lôi xuống đáy hồ sau một cú giật mạnh. Một dòng chữ xuất hiện trên màn
hình ‘Toyota Vios – sức hút không thể cưỡng lại. Niềm mơ ước của bạn’
(The irresistible Toyota Vios… You’ll want one). Trong cảnh cuối phim, một
chiếc xúc tu xuất hiện từ dưới hồ và dựng tấm bìa các tông xe hơi lên, cái
bẫy lại sẵn sàng. Mẩu quảng cáo này đã dùng một câu chuyện ngắn để
chuyển tải rất hiệu quả thông điệp về vẻ ngoài thu hút không thể cưỡng lại
của xe Toyota Vios mà không cần trực tiếp nói ra thông điệp đó.