vào nhà mới. Khi những ký ức này tràn về, chúng ta thường tưởng nhớ về
những tháng ngày quá khứ đó.
Nếu bạn từng bị chứng khó ngủ về đêm vì đầu óc không thể ‘tắt máy’ thì
ắt hẳn bạn có thể hiểu quá trình này thường là không thể tự chủ. Nói cách
khác, ý nghĩ nào hiện lên trong tâm trí chúng ta ở một thời điểm bất kỳ là
hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát.
Khi bạn nghe ai đó nói ‘Chỉ có thể là…’, trong đầu bạn tự động hiện lên
chữ Heineken, dù người nói có thể đang nói về sữa chua, bơ đậu phộng hay
xe buýt. Khi ai đó thốt lên ‘Ngạc nhiên chưa?’, bạn không thể không nghĩ
ngay đến bột giặt Tide. Cũng như bạn không khỏi nghĩ đến La Vie khi nghe
câu ‘Một phần tất yếu của cuộc sống’.
Hình ảnh người nổi tiếng, từ ngữ diễn đạt, hay thậm chí một đoạn nhạc
cũng có thể được ‘sở hữu’ bởi một thương hiệu, đến mức có thể đưa đẩy suy
nghĩ của chúng ta về hướng thương hiệu đó. Tại thị trường Mỹ chẳng hạn,
diễn viên Paul Hogan (phim Crocodile Dundee) đi liền với thương hiệu
Subaru. Nhưng ở thị trường Úc, anh này lại được gắn với thương hiệu thuốc
lá Winfield.
Đối với lớp người Úc thế hệ trước, từ ‘Anyhow’ còn khiến họ liên tưởng
ngay đến Paul Hogan và thuốc lá Winfield vì trong mẩu quảng cáo thuốc lá
này, Hogan có nói từ đó (Anyhow… Have a Winfield). Tương tự như Joe
Camel ở thị trường Mỹ, hình ảnh Paul Hogan và từ ‘Anyhow’ đã trở thành
biểu tượng, và tự động khơi gợi thương hiệu đó trong tâm trí mọi người.
Thậm chí cả đoạn nhạc nền kinh điển của chiến dịch quảng cáo Winfield
cũng được cho là ‘nhạc Winfield’ và có thể gợi nhớ về thương hiệu trong đầu
người nghe. Thương hiệu Malboro cũng làm được điều tương tự trên phạm
vi toàn thế giới với đoạn nhạc nền lấy từ The Magnificent Seven , đoạn nhạc
này về sau cũng được gọi là ‘nhạc Malboro’.