sản phẩm, chỉ cần thương hiệu tỏ ra phổ biến với người tiêu dùng hơn thì khả
năng họ quyết định theo đám đông và chọn thương hiệu đó càng cao. Danh
tiếng (chủ quan) của thương hiệu đã tác động và làm lệch cán cân quyết định
của người tiêu dùng.
Đôi khi sản phẩm tạo được đà mua sắm từ quá trình quảng cáo sản phẩm.
Quảng cáo khiến khách hàng có cảm giác rằng thương hiệu đang trở nên nổi
tiếng hơn. Và ngay khi sản phẩm sắp sửa được công chúng đón nhận, độ
nhận biết thương hiệu và động lực mua hàng bỗng nhiên chững lại. Vì sao?
Vì mùa quảng cáo cho mặt hàng đó đã trôi qua. Điều này chỉ ra điểm khác
biệt to lớn trong cách tiếp thị các sản phẩm theo mùa – đặc biệt đối với việc
phát triển một thương hiệu mới.
Người tiêu dùng cần có tối đa cơ hội dùng thử sản phẩm
Với các sản phẩm thời vụ, nhà quảng cáo bị giới hạn thời gian trong việc
xây dựng đà mua sắm ở khách hàng. Họ cần phải tạo được sự ưa chuộng đối
với sản phẩm trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với các sản phẩm
thông thường. Nhà quảng cáo luôn ở trong tình trạng chạy đua với mùa
quảng cáo.
Ngay cả với sản phẩm bình thường, luôn có một luật bất thành văn rằng,
một thương hiệu mới cần được khách hàng tiếp cận và trải nghiệm nhiều
nhất có thể trong khoảng ba đến sáu tháng đầu ra mắt. Nếu không nó sẽ dần
mất đi ưu thế mới lạ của nó. Sẽ thật nguy hiểm khi sở hữu hình ảnh một
thương hiệu xuất hiện đã khá lâu mà vẫn chưa có chút tiếng tăm. Nếu ấn
tượng tiêu cực này đã yên vị trong tâm trí người dùng, việc khuyến khích
khách hàng tiếp cận và dùng thử sản phẩm thậm chí còn khó hơn gấp bội.
Với các sản phẩm theo mùa, điều này còn nghiêm trọng hơn nữa. Nếu
quảng cáo không tạo được ấn tượng về danh tiếng của thương hiệu trong lần
đầu ra mắt thì ở mùa sau khi sản phẩm tiếp tục được tung ra, nó sẽ rất dễ bị
dán mác “lỗi thời”. Mọi người chỉ nhớ rằng sản phẩm này đã từng xuất hiện
mùa trước và vẫn chưa được công chúng ưa chuộng. Điều này chẳng khác
nào điềm báo tử cho sản phẩm đó.