Hiếm khi có một ai có thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng làm sao những
hình ảnh này lại được chèn vào như thế, vì vậy lẽ dĩ nhiên, điều này làm
người ta suy nghĩ ‘Hmmm… Vì sao lại có hình ảnh này ở đó? Có lẽ mình
nên sợ là vừa’.
Đã có quá nhiều giấy mực tiêu tốn vào những điều vô nghĩa về quảng cáo
tiềm thức đến mức, có một rủi ro là, nếu viết nữa về chủ đề này sẽ thêm dầu
vào ‘lửa sợ hãi’ của cộng đồng thiếu hiểu biết. Tuy nhiên bằng cách thấu
hiểu cội nguồn của nó, chúng ta sẽ hiểu rằng không phải tiềm thức, mà là sự
tinh tế, mới đóng vai trò cốt yếu trong quảng cáo. Nỗi sợ về các tác động
tiềm thức đã được thổi phồng quá mức trong khi những tác động tinh tế
không ngoài tầm ý thức lại có hiệu quả to lớn hơn.
Nỗi sợ đầu tiên về quảng cáo tiềm thức bắt nguồn từ James Vicary, một
nhà tư vấn marketing ở Mỹ, khi ông này cho lóe chữ ‘Uống Coca Cola’ và
‘Ăn bắp rang’ trên màn ảnh rộng của rạp chiếu, ngay giữa bộ phim. Dòng
chữ đó chớp nháy nhanh đến mức không ai có thể nhận ra. Theo báo cáo của
Vicary, doanh số của Coca Cola và bắp rang tăng vụt. Điều này tạo ra một
làn sóng hoảng sợ lớn đến mức một dự luật được soạn thảo gấp rút để hoàn
toàn cấm quảng cáo tiềm thức.
Nếu quảng cáo tiềm thức thực sự có tác động như thế đến hành vi của
chúng ta mà chúng ta không hề biết, thì rõ ràng chúng ta cần được bảo vệ
trước hình thức quảng cáo này. Người ta vẫn tin rằng trong những năm 1950,
quảng cáo tiềm thức là bất hợp pháp ở Mỹ. Nhưng trên thực tế, không có
một đạo luật nào như thế được thông qua, cả ở cấp độ từng bang hay liên
bang. Quảng cáo tiềm thức bị cấm ở nhiều nước, bao gồm Anh và Úc, tuy
nhiên, như chúng ta sẽ thấy sau đây, lệnh cấm này là không cần thiết.
Đó là chuyện đã xảy ra hồi nửa thế kỷ trước. Kể từ đó đã có vô số nỗ lực
muốn tái lập tác động thần kỳ như Vicary nhưng tất cả đều không thành
công, và hơn 200 nghiên cứu khoa học đã được xuất bản về đề tài này. Sau
khi nghiên cứu tường tận chủ đề này, Pratkanis và Aronson đã kết luận
‘không có một nghiên cứu nào chứng minh những ảnh hưởng về động cơ hay
hành vi như lời tuyên bố của những đối tượng ủng hộ thuyết cám dỗ bằng