Tái bút
Vào thế kỷ VII sau Công nguyên, hai thế lực hàng đầu thế giới là vương
triều Đại Đường tại Trung Hoa rộng lớn ở phương Đông, còn ở phương Tây
là vương triều Hồi giáo Ả Rập do các Khalip cai trị, họ đã đã chinh phục
toàn bộ vùng Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu. Dù vậy, thật lạ lùng khi hai
nền văn hóa và quân sự khổng lồ này lại không biết nhiều về sự tồn tại của
nhau; các giao điểm của hai xã hội đầy ảnh hưởng này bị giới hạn trong một
vài trung tâm giao thương rải rác khắp nơi. Sau này, tuy các thuyền trưởng
Trung Hoa và Ả Rập dày dạn sương gió đã có dịp gặp nhau, nhưng ở quê
hương của họ, các kỳ quan mà họ từng trông thấy lại bị gạt bỏ, xem như đó
là những câu chuyện hoang đường của giới thủy thủ. Trong cuốn tiểu thuyết
về Địch Công này, do muốn đặt quan án vào một môi trường hoàn toàn mới
mẻ, nên tôi đã xây dựng bối cảnh câu chuyện của mình ở Quảng Châu, một
thành phố cảng, là một trong những địa điểm quan trọng kết nối hai vùng đất
Ả Rập và Trung Hoa.
Các sự kiện trong cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn là hư cấu nhưng chúng vẫn
có liên quan nhất định với chính sử vào thời điểm Võ Tắc Thiên đang nắm
giữ quyền lực kiểm soát triều đình. Bà quả thật đã thành công trong việc
soán đoạt giang sơn Đại Đường trong vài năm sau đó, sau khi trở thành
Hoàng thái hậu. Lúc ấy, bà đã có xung đột trực tiếp với Địch Công, và việc
ông ngăn trở Võ Tắc Thiên lật đổ quyền kế vị chính thống của Thái tử là
thành công chói lọi nhất trong sự nghiệp của ông. Đối với quãng đời sau này
của Địch Công, độc giả nên tham khảo tiểu thuyết lịch sử của tác giả Lâm
Ngữ Đường, Tình sử Võ Tắc Thiên (London, 1959; trong đó, tên của Địch
Công được phiên âm là Di Jenjiay).
Bố cáo giả mạo được đề cập đến trong hồi 19 của cuốn tiểu thuyết này là do
tôi vay mượn từ một trong những tích truyện hình sự Trung Hoa cổ xưa
nhất.