Khó mà tưởng tượng ông hiệu trưởng trường Đại học Yale là một người
tầm thường. Vậy mà ông Timothy Dwight trước làm hiệu trưởng trường ấy,
đã thấy một nỗi vui mênh mông khi mạt sát một người ra tranh chức Tổng
thống Hoa Kỳ. Ông tuyên bố rằng người đó được bầu làm Tổng thống thì
vợ và con cái chúng ta là nạn nhân một chế độ mục nát công khai, sẽ nhục
nhã, ô uế, sẽ không còn gì là thanh lịch, đạo đức nữa. Trời và người trông
thấy đều sẽ gớm!.
Mới nghe giọng nói đó, ai không tưởng rằng ông ta mạt sát Hitler.
Nhưng không. Người bị mạt sát không là Hitler mà là Thomas Jefferson.2
Thomas Jefferson nào? – Chắc chắn không phải là vị bất tử Thomas
Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập, vị thánh bênh vực nền dân chủ?
- Ấy, chính vị đó!
Bạn có biết người Mỹ nào bị tố cáo là giả dối, là “bịp đời”, là “gần như
là thằng sát nhân” không? Một người mà một tờ báo Mỹ vẽ ngồi trên đoạn
đầu đài, lưỡi dao kề cổ, một người mà khi đi ngoài đường, bị công chúng
chửi rủa?
Bạn có biết người đó là ai không? Là cố Tổng thống George Washington
vậy.
Những chuyện ấy xa quá rồi. Từ đó tới nay, tình hình con người có lẽ
khá hơn chăng? Ta cùng nhau xét thử coi nào:
Xin lấy trường hợp Đô đốc Peary, nhà thám hiểm đã làm cho thế giới
kinh dị vì ông đã ngồi trong một chiếc xe do chó kéo mà tới được Bắc cực
ngày 6 tháng tư năm 1909. Hàng mấy thế kỷ nay không biết bao vị anh
hùng chịu gian nan cực khổ, hy sinh tính mạng để tới đó mà không được.
Chính Peary cũng gần như chết lạnh, chết đói mà tám ngón tay lạnh quá,
cứng đơ, phải chặt bỏ đi. Nhiều tai nạn dồn dập đến nỗi ông sợ gần muốn
hóa điên. Nhưng ông không điên. Chính những thượng cấp của ông sống
sung sướng ở Washington lại phát điên, vì Peary đã nổi danh vang lừng
trong nước. Bởi vậy họ tố cáo ông quyên tiền để thám hiểm cho khoa học
mà rồi lại ăn no “nằm khểnh” ở gần Bắc cực. Và có lẽ họ tin như vậy thật,
vì khi ta đã muốn tin điều gì thì cơ hồ khó mà không tin nó được. Họ hăng
hái quyết định bôi nhọ và hãm hại Peary tới nỗi nếu không có lệnh trực tiếp